Hội thảo công bố Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”
Tin tức

Hội thảo công bố Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”

22/04/2021 - 934 lượt xem

Với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, sáng ngày 22 tháng 4 năm 2021, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam”. Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các diễn giả là các chuyên gia kinh tế, các đại biểu đến từ các Ban, ngành, cơ quan Trung ương, doanh nghiệp và đông đảo các cơ quan báo chí, truyền thông đến đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh: mặc dù Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa  kinh tế một cách an toàn nhưng cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn, tránh rủi ro "cạn kiệt" không gian chính sách và giảm động lực cải cách thể chế kinh tế.

Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM 

Nếu nền kinh tế chậm phục hồi, cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ thiếu sự đồng thuận và động lực cần thiết/hoặc không tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Do đó, việc đảm bảo các chính sách phục hồi kinh tế và cải cách thể chế có sự song hành và hài hòa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Những thành công nhất định trong chỉ đạo và điều hành của Chính phủ từ năm 2020 cho đến nay, thể hiện ở những bước chuyển phù hợp, linh hoạt, những phản ứng chính sách kịp thời hay hướng nhiều hơn tới chủ động quản trị bất định đã góp phần vào thành công của kiểm soát đại dịch COVID-19.

Viện trưởng CIEM nhấn mạnh thêm: CIEM đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-2023 dựa trên 3 kịch bản. Nếu đạt được những đột phá trong chất lượng cải cách thể chế dẫn tới cải thiện chất lượng tăng trưởng song hành với các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình có thể đạt tới 6,76%/năm giai đoạn 2021-2023, đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định. Đồng thời làm rõ một số yêu cầu để bảo đảm các chính sách hướng tới phục hồi kinh tế có sự gắn bó mật thiết với cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới. Từ đó, đề xuất định hướng và lộ trình chính sách cho giai đoạn 2021-2023.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu Tổng hợp CIEM thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo và công bố 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023. Đáng chú ý, 3 kịch bản này đều được xây dựng trong điều kiện, Việt Nam kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2021.

Kịch bản 1 (Bình thường): CIEM dự báo năm 2021, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,98%, cùng tỷ lệ lạm phát 3,51%. Mức tăng trưởng sẽ tăng lên 6,45% và 6,61% trong các năm 2022 và 2023.

- Kịch bản 2 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ): Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,43% năm 2021. Với việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, CIEM dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên mức 3,78%. Bước sang năm 2022, 2023, mức tăng trưởng mà CIEM dự báo lần lượt là 6,8% và 6,83%.

- Kịch bản 3 (Nới lỏng tài khóa và tiền tệ, cùng với cải cách thể chế): Kịch bản này dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,47%. Dù mức tăng trưởng cao hơn song đáng chú ý, CIEM dự báo mức lạm phát trong năm 2021 chỉ là 3,56%. Kinh tế trong năm 2022 và 2023 được đẩy lên mức: 6,88% và 6,92%.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu Tổng hợp CIEM

Trong báo cáo, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất lộ trình cải cách như sau:

Năm 2021, tiếp tục phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, kết hợp với cải cách thể chế kinh tế;

Năm 2022 kết hợp giải pháp phục hồi kinh tế và cải cách thể chế kinh tế;

Năm 2023 rút dần các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, tập trung vào cải cách thể chế kinh tế.

Các diễn giả tham dự hội thảo đánh giá cao về chất lượng nội dung Báo cáo mà CIEM đưa ra. Các chuyên gia đều cho rằng cần tập trung phát triển kinh tế số, cải cách thể chế phải gắn liền với kinh tế số, chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử kết nối với nhau, bớt những tiếp xúc cá nhân, tăng tính công khai, minh bạch. Nếu doanh nghiệp không chuyển đối số thì khó có thể tiếp cận các chuỗi giá trị của doanh nghiệp.

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh hy vọng báo cáo sẽ đưa ra một góc nhìn, những đầu vào để Chính phủ cân nhắc, xây dựng kế hoạch hành động trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu 


Tin tức khác