RCEP: Cơ hội mới, bước đi mới
Hoạt động

RCEP: Cơ hội mới, bước đi mới

17/11/2020 - 3156 lượt xem

Nguyễn Anh Dương

Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Là Chủ tịch luân phiên ASEAN2020, Việt Nam đang nỗ lực cùng với các thành viên thực hiện một loạt các sự kiện cuối cùng bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN. Cộng đồng doanh nghiệp dành nhiều sự chú ý tới một thông tin: Các bộ trưởng đã thống nhất để có thể trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét và quyết định việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Nếu được ký kết trong dịp này, RCEP có thể bổ sung cơ hội cho phục hồi xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế - vốn đang là một ưu tiên kinh tế quan trọng đối với Việt Nam và nhiều nước trong khu vực trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

RCEP là FTA gắn với một thị trường lớn…

RCEP phải trải qua quá trình đàm phán khá dài và không suôn sẻ. Quá trình đàm phán bắt đầu từ tháng 5/2013. Thời điểm kết thúc đàm phán ban đầu dự kiến là cuối năm 2015, song sau đó liên tục được đẩy lùi do quá trình đàm phán chậm chuyển biến. Một số ít ý kiến cho rằng, đối với một số thành viên ngoài ASEAN, RCEP chỉ là sáng kiến có tính cạnh tranh, “đối trọng” với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay trở thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, sau khi Mỹ rút khỏi TPP). Ngay cả khi các nước tiến tới hoàn tất đàm phán vào tháng 11/2019, Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này. Các thành viên còn lại đã phải tiếp tục nỗ lực đàm phán để tìm kiếm giải pháp xử lý những vướng mắc của Ấn Độ trong năm 2020, nhưng không thể thông qua các cuộc họp trực tiếp mả  phải cuộc họp trực tuyến nhiều lần trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Nếu được ký kết, RCEP có thể có điều khoản cho phép Ấn Độ tham gia Hiệp định trong tương lai.

Với danh sách 16 thành viên ban đầu, RCEP hướng tới xác lập một khu vực mậu dịch tự do với một nửa dân số thế giới và khoảng 1/3 GDP toàn cầu. Khi không có Ấn Độ, thị trường các nước còn lại cũng chiếm tới 30% dân số thế giới và khoảng 29,1% GDP toàn cầu. Ước tính 15 thành viên của RCEP có tỷ trọng 28,7% trong thương mại toàn cầu năm 2019.

Dù RCEP hiện hữu sau khi ASEAN đã có một loạt FTA riêng với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốtxtrâylia và Niu Di-lân, Ấn Độ), Hiệp định này vẫn bổ sung giá trị đáng kể cho thương mại và GDP toàn cầu. Theo Petri và Plummer (2018), RCEP có thể làm thu nhập thực của thế giới tăng thêm khoảng 286 tỷ USD mỗi năm (tương đương 0,2% GDP toàn cầu) vào năm 2030. Theo đó, RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7,2 nghìn tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm. RCEP có thể giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%. Trái với lo ngại, đánh giá định lượng của Petri và Plummer cho thấy tác động “chuyển hướng thương mại” là khá nhỏ: các nước ngoài Hiệp định vẫn được hưởng lợi do tính chất đa phương của quá trình tự do hóa và tác động lan tỏa từ việc các thành viên RCEP gia tăng năng suất.

Những đánh giá trên đây đều được thực hiện trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và có thể chưa tính tới những yêu cầu phát triển bền vững và điều chỉnh cơ cấu kinh tế - những ưu tiên nổi lên sau COVID-19. Tuy nhiên, RCEP hướng tới tạo dựng thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư – điều đặc biệt có ý nghĩa khi mà các hoạt động thương mại, đi lại đang bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Có thể còn lo ngại về việc 15 nước thành viên RCEP có những thời điểm “ra” khỏi dịch và phục hồi khác nhau, nhưng lo ngại này có thể giảm bớt trong quá trình ký kết và phê chuẩn RCEP.

Cần lưu ý, Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2016 có một Phụ lục riêng thể hiện sự quan tâm và nỗ lực hướng tới một FTA riêng cho cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Trong đó, lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế thành viên APEC nhấn mạnh FTAAP có thể được hiện thực hóa qua những bước đi trung gian như TPP và RCEP. Từ đầu năm 2017 cho đến đầu tháng 11/2020, ý nghĩa này hầu như không còn được lưu tâm. Tuy nhiên, thời điểm trung tuần tháng 11/2020 chứng kiến kỳ vọng nhiều hơn về những đổi thay lớn, thậm chí đảo chiều, đối với hợp tác thương mại và đầu tư ở khu vực. Chính ở đây, việc tiến tới ký kết RCEP không chỉ góp phần tạo cơ hội phục hồi kinh tế cho các nền kinh tế thành viên, mà cùng với CPTPP giúp “tạo lực đẩy mới” cho hội nhập kinh tế quốc tế, khởi đầu từ chính khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

 … và Việt Nam cũng được hưởng lợi

Các đánh giá chi tiết về tác động của RCEP đối với nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phải chờ đến sau khi Hiệp định được ký kết và nội dung toàn văn của Hiệp định được công bố. Tuy nhiên, những đánh giá cho đến nay đều cho thấy RCEP cũng mang lại những lợi ích đáng kể cho Việt Nam. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018 cho thấy trong trường hợp năng suất tăng bình thường, RCEP có thể làm GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng 0,4% và 3,6% so với trường hợp không có RCEP. Nếu có thêm nỗ lực cải cách để kích thích tăng năng suất, lợi ích của Việt Nam từ RCEP sẽ lớn hơn: GDP và xuất khẩu có thể tăng tương ứng 1,0% và 4,3% so với trường hợp không có RCEP.

Các nghiên cứu đánh giá tác động đều cho thấy lợi ích từ RCEP đối với Việt Nam dường như nhỏ hơn so với CPTPP. Tuy nhiên, điều này bỏ qua một thực tế là ASEAN (và Việt Nam) đã có FTA riêng với các nước đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôtxtrâylia và Niu Di-lân. Những con số trên đây chắc chắn sẽ được cập nhật trong thời gian tới. Dù vậy, “góp nhặt” những điểm phần trăm tăng trưởng có thêm từ RCEP vẫn sẽ thực sự có giá trị đối với Việt Nam trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

Bên cạnh đó, RCEP có thể giúp củng cố mạng sản xuất gắn với các nước ASEAN và các đối tác. Cần lưu ý, 6/10 đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến 20/09/2020 là các thành viên RCEP, cụ thể là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ có thêm động lực để cải thiện liên kết với nhau. Quy mô lớn từ các công đoạn trong chuỗi giá trị RCEP cũng buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới chiến lược kinh doanh, gắn với hiểu biết sâu sắc hơn về cạnh tranh trong môi trường kinh doanh rất “châu Á”: không chỉ liên quan tới cạnh tranh về giá và chất lượng, mà còn ở những khía cạnh khác như đúng thời điểm, lợi ích kinh tế nhờ quy mô, thiết lập được kênh phân phối phù hợp, uy tín của doanh nghiệp, v.v. Cần lưu ý, những nội dung cam kết về thương mại điện tử của RCEP có thể tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số hậu COVID-19.

Ngay cả trước RCEP, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có thể tìm hiểu, cân nhắc yêu cầu và khả năng tận dụng một loạt các FTA khác với mức độ ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ khác nhau. Dù chưa có nội dung toàn văn, có thể tin rằng RCEP sẽ bổ sung thêm lựa chọn cho doanh nghiệp. Điều này cũng nhất quán với tư duy và cách tiếp cận cải cách của Việt Nam trong nhiều năm qua, đó là hướng tới tạo dựng thêm không gian kinh tế và lựa chọn cho doanh nghiệp.  

Thay cho lời kết

Nếu được ký kết vào ngày 15/11/2020, thời gian từ khi bắt đầu đàm phán đến khi ký kết RCEP đối với Việt Nam là hơn 7 năm, tương đương với thời gian từ khi chính thức tham gia đến khi ký kết CPTPP (từ tháng 11/2010 đến tháng 3/2018) và thời gian từ khi khởi động đàm phán đến khi ký kết EVFTA (từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2019). Một điều “thú vị” nữa là cả CPTPP và RCEP đều vượt qua những thời điểm khó khăn cuối cùng khi Việt Nam là chủ nhà của những sự kiện lớn: với CPTPP là chủ nhà APEC năm 2017, và RCEP là năm ASEAN 2020.

Sức sống của RCEP sau một thời gian dài đàm phán ít nhiều khẳng định ý nghĩa kinh tế trực tiếp của Hiệp định. RCEP kết thúc đàm phán và tiến tới ký kết, đồng nghĩa với một khởi đầu mới cho những nỗ lực chuẩn bị phê chuẩn và thực hiện. Sẽ còn nhiều thảo luận chi tiết hơn, không chỉ về những cơ hội mà còn cả những thách thức và yêu cầu chuẩn bị đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam. Bản thân các thị trường trong RCEP cũng ngày một “khắt khe” hơn, đặc biệt là trong bối cảnh COVID-19. Từ các kinh nghiệm trước đó, Việt Nam có thể lồng ghép thực hiện RCEP hiệu quả trong bối cảnh mới hậu COVID-19.

Tham gia và thúc đẩy RCEP, tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp chỉ là một điều kiện cần. Tổ chức dồn dập các hội thảo phổ biến thông tin, tập huấn cho các cán bộ, công chức, và doanh nghiệp hay xây dựng các kế hoạch hành động là cần thiết, nhưng cũng không đủ. Sự tích cực và chủ động của các cơ quan Việt Nam trong những quá trình này là đáng ghi nhận, nhưng cần “kết dính” hơn nữa với nỗ lực gia tăng nhận thức, đồng thuận và tổ chức thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp, để RCEP tiếp tục là một hình mẫu “từ ý tưởng tới thực hiện”./.

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi