Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định”
Tin tức

Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định”

10/11/2020 - 1971 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, sáng ngày 10-11, tại khách sạn Pan Pacific, Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã tổ chức Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định”.

TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì diễn đàn. Diễn đàn gồm 03 phiên: Phiên thứ nhất với chủ đề “Đại dịch Covid - 19 tác động tới nền kinh tế”; Phiên thứ hai, “Một số yêu cầu đối với phát triển bền vững hậu Covid – 19” và Phiên thứ ba, “Thảo luận bàn tròn với chuyên gia”.

Tham dự diễn đàn có các diễn giả trong nước và quốc tế, các chuyên gia kinh tế đến từ các Bộ, ngành và các cơ quan Trung ương và địa phương.

TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh dù kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh hậu COVID-19 nhưng chúng ta không thể chủ quan, cầntiếp tục lưu tâm, thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cách tiếp cận và những ưu tiên cải cách cũng phải thích ứng với bối cảnh mới. Yêu cầu cơ bản là tiếp tục cải thiện năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế, các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới.

TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng, Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh phát biểu 

Tại Phiên 1 về “Đại dịch COVID-19 và tác động kinh tế”, theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm những vấn đề của kinh tế thế giới. Các hoạt động kinh tế gián đoạn và gây suy thoái ở bình diện toàn cầu. Trước đó, APEC dự báo tăng trưởng âm 3,7%; IMF dự báo GDP toàn cầu giảm 4,4%, thương mại giảm 10,4%). Trong bối cảnh dịch bệnh, các nước phải nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích tăng trưởng và ít lưu tâm tới các cải cách căn bản khác. Bên cạnh đó, các biện pháp bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng.

          Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch bệnh và giảm thiểu hệ lụy đối với nền kinh tế. Bên cạnh những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, kết quả này có một phần quan trọng là từ những cải cách mạnh mẽ và liên tục trong những năm trước đó, qua đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế.  

          Tuy nhiên, nhiều ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng nghiệm trọngchẳng hạn như ngành du lịch. Các ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) thì cũng là các ngành bị gián đoạn trong bối cảnh dịch COVID-19.Theo nghiên cứu của CIEM, tăng trưởng GDP thế giới giảm 1% thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 4 %, thậm chí còn giảm nghiệm trọng hơn trong năm 2020.

          Vì vậy, theo ông Dương, trong bối cảnh hiện nay, việc cải cách vẫn rất cần thiết. Cụ thể là cần cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp; tăng cường hiệu quả hội nhập, tập trung phát triển nguồn lực con người và chủ động phát triển bền vững…

Toàn cảnh buổi tọa đàm  

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và đầu tư và là một trong những địa chỉ đáng tin cậy trong các nỗ lực nhằm tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu.  khuyến nghị Việt Nam cần phát huy và tiếp tục thúc đẩy các điểm mạnh và lợi thế của mình. Cụ thể, dịch COVID-19 hiện vẫn đang được khống chế, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định (lạm phát, cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách, lãi suất, chỉ số VN Index, dự trữ ngoại tệ, hoạt động tài chính, tiền tệ).Tận dụng Hiệp định thương mại có hiệu lực, mở ra một cơ hội thị trường mới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, và đẩy mạnh kinh tế số và thương mại điện tử. 

Theo TS. Lê Duy Bình, kinh tế số của Việt Nam được ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 38% trong năm 2019 và hơn 40% trong năm 2020, đây chính là một động lực tăng trưởng lớn đối với nền kinh tế.

Tại Phiên 2, các diễn giả thảo luận những yêu cầu đối với phát triển bền vững hậu COVID-19. GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc đẩy mạnh cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam được dự báo trong năm 2021 sẽ có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm đầu trên thế giới và tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực này và chỉ sau một số nền kinh tế như Trung Quốc (6,9%), Malaysia (6,9%). Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình nhận định, tăng trưởng vẫn đối mặt với một số rủi ro, rủi ro lớn nhất là xuất hiện trở lại của dịch bệnh. Dịch bệnh chưa được khống chế tại một số thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và đang quay trở lại tại EU. Một số ngành vẫn tiếp tục chờ đợi, đặc biệt như du lịch, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng, nhà hàng, dịch vụ ăn uống . Bên cạnh đó, ảnh hưởng tới triển khai các dự án FDI do hạn chế về việc đi lại của chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động tay nghề cao.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cũng cho rằng, Việt Nam tham gia nhiều FTA, đặc biệt mới đây là EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động XNK, đầu tư. Bà Trang cho rằng Việt Nam cần phát triển thương mại bền vững khi tham gia các FTA thế hệ mới vì thực hiện phát triển bền vững là sự bảo đảm cho tương lai bền vững của nền kinh tế. Thực thi cam kết về phát triển bền vững cũng là bảo đảm uy tín cho nền kinh tế trong thương mại quốc tế và thu hút đầu tư bền vững. Các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ các ưu tiên cho hàng hoá xanh, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững là điều kiện cần để doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn, khách hàng quan trọng, đối tác tiềm năng. 

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, COVID-19 cũng có thể xem như “chất xúc tác” cho công nghệ số, nên các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin, chú ý đến vấn đề “tiêu dùng xanh”, sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế. Về phía cơ quan quản lý, cùng với việc khống chế dịch, Nhà nước cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do, cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư…

Thảo luận tại diễn đàn, các diễn giả và đại biểu tham dự đã truyền tải những thông điệp nổi bật. Thứ nhất, cải cách kinh tế vẫn là một yêu cầu quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới. Cải cách phải được thực hiện ngay tại thời điểm này, thay vì chờ đến khi kết thúc đại dịch. Cải cách vì doanh nghiệp và sẽ thu được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Cải cách cũng chính là phương thức ít tốn kém nhất để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong chính bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, chúng ta cần lưu tâm hơn đến các nội dung về phát triển bền vững. Những nội dung này sẽ không chỉ dừng ở phát triển con người và nâng cao năng suất lao động, hay thực thi các cam kết về thương mại và phát triển bền vững, hay phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Sâu xa nhất, cải cách phải dựa trên cơ sở đồng thuận xã hội và động lực cho cả các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp coi “phát triển bền vững là việc của mình”.

Cuối cùng, các đại biểu đều đồng ý rằng hợp tác với các đối tác nước ngoài vẫn rất quan trọng. Quan hệ hợp tác cũng cần phải thay đổi, chúng ta cần chủ động hơn thay vì thụ động chờ các đối tác chỉ dạy cho mình. Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia đều phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới trong bối cảnh hậu COVID-19, và đều có những điểm có thể học hỏi từ nhau./.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì phiên Thảo luận 

Ngoài ra, các chuyên gia tham gia diễn dàn cũng cho rằng, để nâng cao sức chống chịu hậu COVID-19 thì việc cải cách vẫn rất cần thiết. Theo đó, cần cắt giảm chi phí do chính sách tạo ra, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hội nhập hiệu quả với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; nâng cao năng lực đáp để đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hiệp định. Thúc đẩy hợp tác đầu tư; chủ động để phát triển bền vững./.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi