Hội thảo “Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong liên kết kinh doanh để phát triển bền vững”.
Hoạt động

Hội thảo “Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong liên kết kinh doanh để phát triển bền vững”.

27/10/2020 - 3278 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án GIZ, sáng ngày 27 tháng 10 năm 2020, tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Phát huy vai trò của Hợp tác xã trong liên kết kinh doanh để phát triển bền vững”.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các Bộ như: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…, các chuyên gia nghiên cứu, cán bộ các Bộ, ngành. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo 

Trình bày  báo cáo đề dẫn, Bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết:  Liên kết kinh doanh hợp tác xã sẽ đảm bảo ổn định về quá trình sản xuất giữa các bên gồm người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Người nông dân chỉ sản xuất và tiêu thụ ra thị trường ngay thì sẽ là sản phẩm thô; Khi có liên kết thì sẽ có khâu chế biến tùy từng mức độ, nhu cầu của thị trường sẽ phân cấp cho các loại sản phẩm cuối cùng khác nhau. Theo đó, vai trò của liên kết kinh doanh và hợp tác xã được thể hiện trong quá trình tăng giá trị gia tăng cũng như chất lượng của sản phẩm trong từng khâu công đoạn liên kết. Ngoài ra, sẽ đảm bảo chia sẻ lợi ích về rủi ro giữa các bên khi có biến động xảy ra…

Tiến sỹ Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất/ hộ nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hình thành và phát triển liên kết thì doanh nghiệp đóng vai trò “đầu tàu”, là tác nhân chính, điều phối cả chuỗi liên kết. Chính vì vậy, để thúc đẩy liên kết kinh doanh phát triển bền vững, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp liên kết cần được đặc biệt quan tâm. Cần có chính sách pháp luật linh hoạt đối với HTX. HTX cần có cơ chế thuận lợi trong việc thu hút vốn của nhà đầu tư và mở rộng phục vụ cho khách hàng không phải là thành viên. Điều này tạo thuận lợi cho HTX mở rộng hoạt động và tăng sức cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác. Ngoài ra, để HTX ra đời và phát triển tốt rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn nhất là đường giao thông, điện, nước; tuyên truyền, khuyến khích, quảng bá cho các HTX.

Trong bài tham luận của mình, Tiến sĩ Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng: để thúc đẩy phát triển hợp tác xã, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bằng các nghị định, thông tư. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kỹ thuật công nghệ mới… Mặc dù vậy, hiện còn tồn tại hạn chế, bất cập trong việc ban hành chính sách còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã…

Tiến sĩ Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam

Ông Phạm Minh Điền nhấn mạnh: cơ chế, chính sách phát huy vai trò của HTX trong liên kết kinh doanh phát triển bền vững đã được triển khai và thực hiện trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và bối cảnh hiện nay. Thành công bước đầu và những hạn chế, khó khăn đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của HTX trong liên kết kinh doanh, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX một cách đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tháo gỡ những vướng mắc nhằm phát huy vai trò của các HTX trong giai đoạn mới.

Với tham luận “Vai trò của hợp tác xã nông nghiệp trong liên kết kinh doanh theo chuỗi giá trị”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu: Vai trò HTX NN trong tổ chức sản xuất nông nghiệp (SXNN) là thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp, hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; Ứng dụng TBKHKT, CNC vào SXNNN nhằm tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành; Quản lý nội bộ về chất lượng sản phẩm; Tổ chức các hành động tập thể để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều, chất lượng đảm bảo yêu cầu DN, giảm chi phí sản xuất; Cung ứng các dịch vụ cần thiết phục vụ SXNN của thành viên.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Định nêu rõ vai trò của HTXNN trong thúc đẩy liên kết CGT nông sản gồm: Đại diện cho TV đàm phán với DN (đầu vào, đầu ra); giúp nâng cao vị thế của ND trên thị trường; Nắm bắt thông tin, yêu cầu của DN để tổ chức PASXKD đáp ứng yêu cầu thị trường; Là tác nhân chủ đạo, đóng vai trò khâu nối và thúc đẩy liên kết dọc với DN; điều phối, giám sát hợp đồng liên kết; Tích tụ vốn, tài sản đáp ứng yêu cầu liên kết CGT; Đầu mối tạo điều kiện cho các DN đầu tư vốn và chuyển giao TBKT vào SXNN...

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, hiện nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Do đó, việc thúc đẩy liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của hợp tác xã sẽ là trung tâm liên kết, kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp đặc biệt là ngành nông nghiệp.

 

Nguồn: Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu.


 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi