Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2020 trong chương trình Góc nhìn Vnews, Truyền hình Thông tấn
Tin tức

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ về tình hình kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2020 trong chương trình Góc nhìn Vnews, Truyền hình Thông tấn

05/10/2020 - 2814 lượt xem

Trong chương trình Góc nhìn Vnews, Truyền hình Thông tấn ngày 03/10/2020, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã có những chia sẻ về kinh tế 9 tháng của Việt Nam.

TS. Trần Thị Hồng Minh trong chương trình Góc nhìn Vnews, Truyền hình Thông tấn

Kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn ứng phó với diễn biến và hậu quả của đại dịch COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới đều có mức tăng trưởng âm hoặc rất thấp. Trong bối cảnh ấy, mức tăng trưởng của Việt Nam nhìn chung là khá tích cực, đạt 2,12% trong 9 tháng đầu năm 2020. Kết quả này cũng khá nhất quán với dự báo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố vào đầu tháng 7 – trước khi đợt dịch thứ hai bùng phát. Mức tăng trưởng trong quý III đạt 2,62%, phục hồi đáng kể so với quý II. Điều này cho thấy nền kinh tế đã có sức chống chịu tốt hơn. Kết quả này sẽ tạo niềm tin quan trọng để Việt Nam xây dựng các kịch bản điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong quý IV/2020, đồng thời, cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp có điều kiện để mạnh dạn hơn với các kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh nhằm đón đầu gia tăng tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh để đạt được những kết quả như trên cần kể đến một số động lực thúc đẩy nền kinh tế. Về phía cung, các ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng và có đóng góp ít hơn vào tăng trưởng. Xét một cách tương đối, khu vực công nghiệp có đóng góp khá quan trọng, tới 0,91% điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, giúp ổn định đời sống xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Về phía cầu, nổi bật nhất là xuất khẩu. Tăng trưởng xuất khẩu liên tục được cải thiện: sau 6 tháng chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ, nhưng đến hết tháng 8 là 2,3%, và hết tháng 9 là 4,2% so với cùng kỳ 2019. Quan trọng hơn, khu vực doanh nghiệp trong nước giữ được tăng trưởng xuất khẩu ở mức 4,7%, trong khi khu vực FDI bị giảm xuất khẩu (-4,8%) so với cùng kỳ.

Cùng với những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian vừa qua một số điểm sáng của nền kinh tế cũng cần được đánh giá. Đó là, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt. Đà tăng trưởng xuất khẩu được thúc đẩy từ khu vực doanh nghiệp trong nước, cho thấy sự thích ứng và linh hoạt tốt hơn của các doanh nghiệp này trong điều kiện khó khăn. Đó là, tâm lý của cộng đồng doanh nghiệp và người dân nhìn chung bình tĩnh hơn, không bị xáo trộn nhiều như những giai đoạn trước (như thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009). Theo đó, doanh nghiệp và người dân ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ để cùng trụ vững qua thời kỳ khó khăn, giữ sức chờ “bật lên” sau khủng hoảng. Ngoài ra, những yêu cầu điều hành và cải cách căn bản vẫn được duy trì. Môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát bình quân 9 tháng ở mức 3,85%, thấp hơn so với mục tiêu cả năm (4,0%). Cải cách môi trường kinh doanh vẫn được duy trì, không bị ngắt quãng trong điều kiện khó khăn. Quan trọng nhất, tinh thần tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế vẫn được thể hiện rõ. Điển hình nhất là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm vào cuối tháng 7 – ngay thời điểm đợt dịch thứ hai vừa bùng phát ở Đà Nẵng.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn ra phức tạp, kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2020 dự báo còn đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, kinh tế thế giới còn rất bất định. Xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam. Thứ hai, rủi ro suy thoái kinh tế ngày chưa được loại trừ, trong bối cảnh còn thiếu đồng thuận về mức độ nghiêm trọng của suy thoái, cả về thời điểm kết thúc dịch, kịch bản phục hồi, số “làn sóng dịch”, hiệu lực của các gói hỗ trợ ở nhiều nền kinh tế, v.v. Thứ ba, việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối giữa các biện pháp này ở cấp độ toàn cầu, có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu. Thứ tư, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là trong nửa đầu quý IV. Thứ năm, tăng trưởng kinh tế trong nước, vẫn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và nguy cơ lây lan nhanh trong cộng đồng, đặc biệt nếu áp đặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội tại các thành phố lớn, khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ; tâm lý người dân và nhà đầu tư cũng sẽ ảnh bị ảnh hưởng lớn. Thứ sáu, dù kỳ vọng nhiều vào tác động tích cực của EVFTA, Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, v.v., không chỉ ở thị trường Mỹ.

Nhìn lại những khó khăn cũng như những kết quả đạt được trong 9 tháng vừa qua, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng và tin tưởng vào khả năng hồi phục của nền kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2020 và năm 2021. Năng lực ứng phó của Chính phủ đã được cải thiện đáng kể, từ mức độ chủ động cho đến sự bài bản gắn với các kịch bản điều hành. Dư địa chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục được củng cố. Quan trọng nhất là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vẫn được duy trì tích cực. Chính vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng nền kinh tế hướng tới mức tăng trưởng 2,5% cho cả năm 2020, nếu không có thêm diễn biến bất lợi về dịch và kinh tế bên ngoài. Có được kết quả đó, chúng ta sẽ có thêm niềm tin vào triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ hơn cho năm 2021.

Link Chương trình Góc nhìn Vnews: https://vnews.gov.vn/video/goc-nhin-vnews-ngay-03-10-2020-192577.htm?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30&fbclid=IwAR19cJ1aZ6L2h-N4x5M59H8bfORZgauKP-lcyFzpJ2Wxpa4kdgqzfGqohMY

 

Nguồn: Ban Nghiên cứu tổng hợp - CIEM.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi