Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: vấn đề và kiến nghị”
Tin tức

Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: vấn đề và kiến nghị”

02/03/2020 - 2134 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 27 tháng 02 năm 2020 Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: vấn đề và kiến nghị”. Hội thảo là diễn đàn để cùng thảo luận, đánh giá hiệu quả cắt giảm số lượng điều kiện kinh doanh trong thời gian qua; nhận diện vấn đề về chất lượng điều kiện kinh doanh trong các quy định hiện hành để từ đó đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhằm gỡ bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan, các viện nghiên cứu, đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội/doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và một số cơ quan truyền thông, báo chí.

 TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh khẳng định: Ngay từ ngày đầu năm 2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 - điều đó thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới của Chính phủ đối với môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong những năm qua, các Bộ, ngành cũng đã tích cực vào cuộc thể hiện qua việc đã rà soát, bãi bỏ được khoảng 2.500 quy định về điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên thời gian tới vẫn cần tiếp tục việc nghiên cứu, rà soát những quy định bất hợp lý liên quan đến điều kiện kinh doanh làm cản trở đến doanh nghiệp.

 Ông Nguyễn Quang Anh, Quản lý cấp cao về Thương mại và Phát triển, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam

Đại diện Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Ông Nguyễn Quang Anh đã ghi nhận sự đóng góp của Chương trình Aus4Reform do Chính phủ Australia hỗ trợ cùng phối hợp tích cực với CIEM thực hiện các nghiên cứu về môi trường kinh doanh, mang lại những kết quả tích cực và là cơ sở để Chính phủ, các Bộ, ngành điều chỉnh chính sách.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM

Bà Nguyễn Minh Thảo đã trình bày Báo cáo nghiên cứu “Cải cách điều kiện kinh doanh: Nhận diện vấn đề và dư địa cải cách tiếp theo”. Báo cáo nghiên cứu đã nêu 3 vấn đề chính: (1) Kết quả cải cách đăng ký kinh doanh giai đoạn 2017 – 2019; (2) Những vấn đề cần tiếp tục cải thiện; và (3) Xác định nội dung trọng tâm trong cải cách tiếp theo.

 Đại diện Vụ pháp chế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ, để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập tổ công tác và phối hợp chặt chẽ với CIEM, cơ quan nghiên cứu làm rõ nội hàm về điều kiện liên quan đến đầu tư kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, rà soát lại tất cả các quy định hiện hành liên quan đến đầu tư kinh doanh do Bộ quản lý trên quan điểm “cắt giảm những quy định không cần thiết”.  Trong quá trình thực hiện việc rà soát, cắt giảm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gặp nhiều khó khăn, vì Bộ quản lý đa ngành, đa nghề (nông, lâm, ngư nghiệp) nhưng về cơ bản đến nay cũng đã đáp ứng được yêu cầu cắt giảm của Chính phủ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: Năm 2016, đã có đợt cải cách điều kiện kinh doanh theo đó các Bộ, ngành không được quyền ban hành thông tư quy định điều kiện kinh doanh, đây là bước cải cách lớn. Năm 2018, ban hành 25 nghị định cắt giảm về điều kiện kinh doanh. Một số bộ ngành đã áp dụng phương thức quản lý hiện đại như chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, “quản lý rủi ro”.

Đại biểu phát biểu ý kiến

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã tích cực trao đổi, thảo luận về các nội dung như cần làm rõ nội hàm và chuẩn hóa về điều kiện kinh doanh; hạn chế/không sử dụng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường; điều kiện kinh doanh là công cụ quản lý nên cần tính toán, đánh giá rủi ro khi ban hành chính sách; chuyên nghiệp hóa việc nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; quy định rõ ràng, rành mạch, cụ thể, hạn chế dẫn chiếu, nếu quy định chưa yên tâm thì làm thí điểm; cần có đánh giá làm rõ nguyên nhân vì sao có những quy định không đi vào cuộc sống; bãi bỏ hay đơn giản hóa thủ tục (?), nên dứt khoát chỉ giữ lại những gì cần thiết, nếu không bỏ thì tư duy quản lý vẫn luôn tồn tại.

 Đại biểu phát biểu ý kiến

Phát biểu kết luận Hội thảo, Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh đánh giá cao ý kiến của đại diện cơ quan, tổ chức và các chuyên gia đồng thời cho rằng, cải cách về điều kiện kinh doanh đã có những thành công bước đầu. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ phát sinh những khó khăn, thách thức về tư duy, lợi ích ngành, đối tượng liên quan, v.v… CIEM sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức tiếp tục nghiên cứu, đề xuất chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khâu thực hiện là then chốt nên trong thời gian tới cần tổ chức điều tra, đánh giá việc triển khai thực hiện trên cơ sở khoa học./.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi