Hội thảo: “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”
Tin tức

Hội thảo: “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”

20/02/2020 - 1913 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), ngày 19/2/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo về “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Ảnh: TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện Chương trình Aus4Reform, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chuyên gia kinh tế và một số cơ quan báo chí, truyền thông.

Ảnh: Ông Nguyễn Quang Anh, Cán bộ Thương mại và Phát triển cao cấp, Đại sứ quán Australia

Các đại biểu đã được nghe ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam”. Báo cáo đã nêu lên kết quả sau một năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tập trung vào các nội dung như: (i) Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện Hiệp định CPTPP (ở cấp quốc gia và doanh nghiệp); (ii) Xác định cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ; và (iii) Đề xuất yêu cầu thúc đẩy cải cách cơ cấu và hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Ảnh: Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM

Kết quả nghiên cứu cho thấy, Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam; Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục mở rộng cả về quy mô, thị trường và mặt hàng; hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phát triển vững chắc; dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những nhóm chính chịu nhiều tác động từ CPTPP; lao động – việc làm, so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng có cải thiện; công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, so với các nước trong CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục quan tâm cải thiện. Tác động đối với doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chuyên gia, đại biểu tại Hội thảo chia sẻ những phân tích, đánh giá của CIEM về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong thực thi CPTPP. Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại; thể chế đầu tư; thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan; thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ; phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành/công nghiệp; đấu thầu; mua sắm công; tư duy đàm phán; cách thức thực hiện CPTPP và độ sâu cải cách cần thiết.

Ảnh: TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI

Ảnh: PGS. TS Lê Xuân Bá, Chuyên gia kinh tế

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi