Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản năm 2019 Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản - Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ
Hoạt động

Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản năm 2019 Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản - Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ

22/11/2019 - 3452 lượt xem

Được sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế Toshiba (TIFO), ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Trường Chính sách công – Đại học Tokyo tổ chức Diễn đàn Nghiên cứu Việt Nam – Nhật Bản năm 2019 về “Tăng cường hợp tác công nghiệp Nhật Bản - Việt Nam thông qua thúc đẩy chuyển giao công nghệ”.

 

Những năm vừa qua đã chứng kiến nhiều sáng kiến nhằm tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Là một thành viên của nhiều FTA trong khu vực, Nhật Bản và Việt Nam đều kỳ vọng đạt được lợi ích chung trong việc phát triển năng lực sản xuất để nắm bắt cơ hội từ những thỏa thuận kinh tế đó. Tuy nhiên, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tập trung nhiều trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và đóng góp ngày càng quan trọng vào xuất khẩu. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy tỷ trọng của khu vực sản xuất trong GDP không tăng trưởng đáng kể, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ trong hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề này, trong số những biện pháp cần có là nỗ lực quyết liệt hơn để thúc đẩy môi trường cho chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Ảnh: Các diễn giả, bình luận viên tham dự Diễn đàn

 

Trong những năm qua, mục tiêu chuyển giao công nghệ từ các dự án FDI luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Nhiều năm qua, hợp tác với Nhật Bản thường xuyên được nhấn mạnh tại Việt Nam nhờ vào tính cạnh tranh và trình độ công nghệ hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mặt khác, các nhà đầu tư của Nhật Bản vẫn dành nhiều quan tâm tới thị trường Việt Nam và các ngành công nghiệp ưu tiên tại Việt Nam. Do đó, xây dựng kế hoạch hành động chung của Nhật Bản và Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm chung trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang Việt Nam là một cần thiết, đặc biệt trong trong lĩnh vực sản xuất.

Ảnh: TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày tại Diễn đàn.

Với tinh thần ấy, Diễn đàn là cơ hội để Việt Nam và Nhật Bản nhìn lại bối cảnh kinh tế mới tác động tới hợp tác công nghiệp Việt Nam – Nhật Bản và yêu cầu phải đổi mới để hai quốc gia có thể hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị toàn cầu và các FTA trong khu vực; nhận định các vấn đề gây ảnh hưởng tới việc chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam; và quan trọng hơn cả là xác định, đề xuất các hướng đi mới, các thực tiễn tốt và khuyến nghị để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam một cách hiệu quả hơn, thực chất hơn.

Ảnh: Các diễn giả trình bày tại Diễn đàn: PGS. TS. Kiyohiro OKI, Trường Đại học Tokyo; Ông Nguyễn Anh Dương,

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tại Diễn đàn, các diễn giả, bình luận viên và các đại biểu tham dự đã có những trao đổi thẳng thắn, sâu sắc về thực trạng, kết quả và hạn chế của chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam. Diễn đàn đã tái khẳng định mối quan tâm chung của cả Việt Nam và Nhật Bản đối với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế nói chung và chuyển giao công nghệ nói riêng. Bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu nhiều bất định và những thách thức mới của quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế càng cho thấy những nước có lợi ích liên quan như Việt Nam và Nhật Bản cần phải chung tay hành động thực chất, linh hoạt và sáng tạo hơn nữa nhằm, góp phần làm sâu sắc hơn những nỗ lực của chúng ta trong nhiều năm qua và hướng tới tương lai. Đó là cơ sở để chúng ta mạnh dạn đưa ra những gợi mở, đường hướng mới để thúc đẩy hơn nữa và nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản sang khu vực sản xuất của Việt Nam./

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi