Hội thảo: “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”
Hoạt động

Hội thảo: “20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”

19/11/2019 - 1908 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức Hợp tác quốc tế  Đức (GIZ), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với GIZ tổ chức Hội thảo: 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu các cơ quan bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế, hiệp hội DN; các công ty tư vấn luật, chuyên gia và Viện nghiên cứu nhằm trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến quá trình ra đời, thực thi của Luật DN.

Chủ trì Hội thảo là ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đông thời, còn có sự hiện diện của TS. Micheal Krakowski – Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh, GIZ.

 Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo ông Hiếu, quản trị doanh nghiệp có thể coi là mảng quan trọng nhất trong các đạo luật về doanh nghiệp trên thế giới, và đây sẽ là dư địa cải cách sắp tới của Luật Doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp đầu tiên được ban hành năm 1999, và được sửa nhiều lần (2005, 2014) để phù hợp hơn với các yêu cầu về hoạt động kinh doanh khi nền kinh tế phát triển.

Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới (WB), trước Luật Doanh nghiệp 2005, Việt Nam đứng thứ 159/169 thế giới về Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư - chỉ số quan trọng nhất trong quản trị doanh nghiệp. Sau khi có Luật Doanh nghiệp 2005 và tiếp đó là Luật Doanh nghiệp 2014, Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đã tăng 70 bậc, lên vị trí thứ 89/190 nước, và được WB ghi nhận kỷ lục về sự thay đổi này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Luật Doanh nghiệp không sửa đổi, kết quả là Việt Nam tụt xuống vị trí 97.

Theo Báo cáo Thẻ điểm Quản trị Công ty ASEAN (ACGS), từ 2012 - 2017, mặc dù có tiến bộ qua từng năm, nhưng điểm trung bình về quản trị công ty của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, thấp hơn cả Indonesia và Philipines, chứ chưa nói đến Thái Lan hay Singapore.

Bộ Nguyên tắc Quản trị Công ty của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đã được sử dụng như là cơ sở chủ yếu cho việc xây dựng thẻ điểm này. Các nguyên tắc này bao gồm quyền của cổ đông, đối xử công bằng giữa các cổ đông, vai trò của các bên liên quan, công bố thông tin và tính minh bạch, trách nhiệm của hội đồng quản trị.

Cũng từ thực tế này, theo ông Hiếu, Luật Doanh nghiệp chỉ đưa ra khung pháp tối thiểu, công ty muốn thực sự quản trị tốt thì cần phải tuân thủ theo Bộ nguyên tắc của OECD.

Các nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp mà Luật Doanh nghiệp có quy định bao gồm: Công khai hóa giao dịch có liên quan, trách nhiệm của người quản lý trong việc bồi thường thiệt hại nếu điều hành doanh nghiệp không trung thực và cẩn trọng, cơ chế dễ dàng cho cổ đông khởi kiện người quản lý, đảm bảo quyền cổ đông, tỷ lệ sở hữu và kiểm soát công ty và minh bạch hóa thông tin.

Với mục tiêu sửa tối thiểu nhất nhưng sửa nội dung căn bản nhất, quan trọng nhất chứ không phải sửa toàn diện, ông Hiếu nhấn mạnh, Luật Doanh nghiệp lần này sẽ tập trung vào hai điểm yếu nhất trong khung quản trị của Việt Nam để sửa đổi là: trách nhiệm của người quản lý và cơ chế cho cổ đông khi khởi kiện người quản lý. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao quản trị và bảo vệ cổ đông thiểu số.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã tham gia chia sẻ về thực trạng phát triển Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam qua các phiên bản Luật Doanh nghiệp cũng như những đổi mới căn bản trong nội dung các phiên bản của Luật Doanh nghiệp nhìn từ quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở nước ta cũng như yêu cầu hoàn thiện và thực thi quản trị công ty. Đáng chú ý, một số nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo này, đó là việc xem xét Luật Doanh nghiệp trong các quy định pháp luật liên quan; các cam kết quốc tế để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ hơn, qua đó đề xuất các kiến nghị để tiếp tục hoàn thiện nội dung và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi Luật Doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng CIEM - người được mệnh danh là “cha đẻ” của Luật DN - khẳng định : 20 năm qua, việc thực thi Luật Doanh nghiệp đã để lại nhiều bài học. Tại hội thảo, ông Cung đã nhấn mạnh nhiều đến những hạn chế cần rút ra bài học để xây dựng dự luật mới hiệu quả.

Đánh giá về việc thực thi Luật Doanh nghiệp, ông Cung đã phân tích dựa trên 4 tiêu chí. Cụ thể là về quyền tự do kinh doanh nhìn chung đã đạt được và liên tục gia tăng nhờ thực hiện nguyên tăc "negative list" nhưng trong một số ngành thì vẫn áp dụng nguyên tắc "positive list" để kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp pháp, không phù hợp. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi "kinh doanh cái gì", còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu... vẫn còn nhiều việc phải bàn.

Về giảm chi phí tuân thủ: có giảm đáng kể những vẫn còn cao, đặc biệt là những chi phí phi chính thức (qua điều tra va báo cso PCI hàng năm). Tuy nhiên, giảm chi phí tuân thủ chủ yếu theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ.

Về tăng an toàn và giảm rủi tro trong kinh doanh, so với trước đây chắc có cải thiện nhưng cảm nhận có được từ thu thập thông tin, xem xét cách thức soạn thảo và thực thi pháp luật, khảo sát thực tế... thì đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp.

Về hoạt động thanh, kiểm tra doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, các phiên bản trước của Luật Doanh nghiệp không tiên liệu trước được trong tuân thủ; tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức; rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa dạng và không đoán định được.

"Đây là miếng đất màu mỡ cho hoạt động thanh - kiểm tra Doanh nghiệp, là nguồn gốc của những rủi ro phạm vi trong việc tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đây là vấn đề mà bất kể ai kinh doanh đều gặp phải", Nguyên Viện trưởng CIEM chia sẻ.

Ngoài ra, việc không đoán định được kết hợp với "hậu kiểm" chưa rõ ràng là một trong những điểm chưa thành công của Luật Doanh nghiệp. Thanh tra, kiểm tra mới chỉ dừng lại ở việc có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ tuân thủ pháp luật; Các cơ quan khác nhau, hiểu và thực thi pháp luật khác nhau, kết luận về các vụ việc của doanh nghiệp là khác nhau; có thiên hướng "buộc tội" doanh nghiệp. Có thanh, kiểm tra là có vi phạm của daonh nghiệp. Tuân thủ đúng pháp luật là thách thức và trong bối cảnh đó không an tâm đầu tư lâu dài và đầu tư lớn. Thanh tra, kiểm tra cùng với báo chí truyền thông có thể giết chết doanh nghiệp chưa đáng chết; làm mất mát lớn không đáng có đối với  doanh nghiệp,doanh nghiệp thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Ông Cung cho biết thêm, trong lần gặp gỡ cách đây ít ngày, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng rất trăn trở về vấn đề thanh, kiểm tra doanh nghiệp, đồng thời bày tỏ mong muốn trong nhiệm kỳ sắp tới đây, đặc biệt là chiến lược sắp tới phải nêu bật được vai trò của kinh tế tư nhân và muốn như thế thì phải có thiết chế để bảo vệ không những quyền tự do kinh doanh mà còn bảo vệ quyền của họ.

Ông Cung dẫn lại lời nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng: sau 20 năm, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có 2 điểm mới tại thời điểm hiện nay. Đó là đã có những tập đoàn tư nhân xuất hiện nhưng cũng nhiều doanh nhân tìm thẻ xanh ở bên ngoài.

"Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói với tôi có rất nhiều thứ mới nhưng khu vực kinh tế tư nhân nổi lên như đầu tàu, là động lực tăng trưởng. Thực tế cho thấy nhiều tập đoàn tư nhân xuất hiện nhưng cũng nhiều người tìm cách ra đi. Do đó, Nhà nước cần phải có chính sách giữ chân các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích họ để họ lớn lên hơn nữa", ông Cung chia sẻ.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh đến Luật Doanh nghiệp 1999, trong đó đề cập đến những mặt tích cực. Đó là Luật đã cởi trói cho doanh nghiệp quyền tự do kinh doanh, thủ tục thuận lợi, giảm chi phí...

"Nhưng tôi nghĩ rằng, trong xây dựng Luật Doanh nghiệp 1999, qua kinh nghiệm và kết quả, phía Nhà nước cũng được rất nhiều. Cái được lớn nhất của Nhà nước là tạo được sự thay đổi trong tư duy, từ chỗ trước đây Nhà nước coi quyền kinh doanh là của Nhà nước thì giờ Nhà nước đã "ngộ" ra một điều quyền kinh doanh là quyền của người dân và doanh nghiệp, phải trả lại quyền đó cho người dân và doanh nghiệp.

Điều lưu ý thứ 2 là sự thay đổi tư duy của Nhà nước "quản được đến đâu thì mở đến đó". Đã có những ngần ngại về việc trao quyền kinh doanh cho hàng vạn doanh nghiệp ra đời cùng một lúc thì Nhà nước có quản được không? Hay có những vị đại biểu quốc hội đề xuất hay là quản được đến đâu thì mở đến đó, chứ không để cho doanh nghiệp tự do đăng ký kinh doanh, rồi những quy định đã có thì không được thay đổi, chẳng hạn như 1 phường thì quy định chỉ được mở 3 quán phở...

"Luật Doanh nghiệp năm 1999 đánh vào tư duy cản đến đâu mở đến đó mà Nhà nước cuối cùng với Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng ý là 85% chấp thuận Luật Doanh nghiệp 1999. Như vậy Nhà nước và Quốc hội đã tự thuyết phục được với nhau để thay đổi tư duy "quản được đến đâu mở đến đó", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Đề cập tới bài học kinh nghiệm đối với Nhà nước, theo bà Lan, việc soạn thảo Luật rất quan trọng. Ngoài việc giao việc cho ai là đúng nhất, tốt nhất là quan trọng thì bài học đối với Nhà nước trong việc này cũng vậy. "Sự đồng thuận không thể có được nếu không qua quá trình thảo luận công khai, minh bạch, tranh luận với nhau thẳng thắn để đấu tranh với những tư duy cũ kỹ, lạc hậu hoặc những mục đích riêng lẻ. Soạn thảo Luật là một quá trình đấu tranh giữa các luồng tư duy, nhận thức, các lợi ích khác nhau. Minh bạch, công khai là cần thiết để lựa chọn phương án tốt nhất cho lợi ích chung của nền kinh tế", bà Lan nhìn nhận.

Ngoài ra, cần chọn lựa, giao việc soạn thảo cho những đơn vị, cá nhân có tư duy, kỹ năng tốt và tính độc lập để đảm bảo mục tiêu mong muốn. Đặc biệt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, những nhóm lợi ích trái ngược với lợi ích chung không dễ dàng chịu thua một Luật tốt. Muốn thắng những nhóm lợi ích đó phải có bàn tay "sắt và sạch" của Nhà nước.

"Sắt" mà không "sạch" thì không thể "sắt" được, vì nó chỉ "sắt" với một số đối tượng yếu thế còn đối với những nhóm lợi ích và có khả năng chi trả rất cao thì nhiều khi không còn "sắt" được nữa mà nó sẽ bị "bẩn". Do đó, Nhà nước rất cần dựa vào sức mạnh của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu bỏ qua sức mạnh này thì Nhà nước khó có thể thực hiện được các ý tưởng đã đề ra", bà Lan nhấn mạnh.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: “Đừng sợ dân giàu và đừng sợ sự tự do. Dân người ta không tin Nghị định bằng Luật đâu, bởi Nghị định có thể sửa, hồi tố".

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

Nhìn nhận về Luật Doanh nghiệp sau 20 năm hình thành, phát triển và sửa đổi, Luật sư Nguyễn Quang Hưng, Văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự cho rằng: Luật Doanh nghiệp 1999, 2005, 2014 thực sự là một bước đột phá về thủ tục hành chính cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp doanh nghiệp và mô hình hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Đơn cử như trước năm 2000 (năm có hiệu lực Luật Doanh nghiệp 1999), việc thành lập 1 công ty hay 1 doanh nghiệp tư nhân phải kéo dài trung bình từ 3-6 tháng, thậm chí đến gần 1 năm với số lượng giấy tờ cần phải chuẩn bị khá nhiều (như: Đơn, Phương án kinh doanh ban đầu, Điều lệ, bản giải trình về biện pháp bảo vệ môi trường, giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch, xác nhận của ngân hàng về vốn điều lệ, biên bản họp bầu người quản lý dự kiến, bằng cấp chuyên môn của người quản lý…). Tuy nhiên, sau khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực, daonh nghiệp chỉ mất từ 4-6 tuần để xin phép thành lập doanh nghiệp với thành phần hồ sơ đơn giản hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, cơ chế giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” cũng được Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thực hiện tại các cơ quan hành chính của địa phương. Chính nhờ những thay đổi tích cực đó mà số lượng doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2000-2002 gần bằng số lượng doanh nghiệp được thành lập trong 9 năm trước đó (giai đoạn 1991-1999).

Không chỉ dừng lại ở đó, Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014 tiếp tục cải cách các quy định liên quan đến thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp thuận tiện trong việc gia nhập thị trường, hợp nhất mã số doanh nghiệp doanh nghiệp với mã số thuế, xây dựng cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hủy bỏ yêu cầu về thông báo mở cửa văn phòng, đơn giản hóa chế định về “con dấu” của doanh nghiệp…Điều đáng chú ý, việc thực thi Luật Doanh nghiệp 2005 đã tạo ra một điểm nhấn về áp dụng thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh trên môi trường điện tử.

Luật sư Nguyễn Quang Hưng, Văn phòng Văn phòng luật sư NH Quang và cộng sự

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng, Viện CIEM - cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 67/141 nền kinh tế và chỉ trên Lào, Campuchia… Do đó, Luật phải tương thích, đáp ứng với các cam kết về hội nhập quốc tế. Đồng thời, ông đề nghị Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng cho cả doanh nghiệp tư nhân và Nhà nước một sân chơi chung tự do. Khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực với tinh thần đưa hộ kinh doanh vào để đảm bảo bình đẳng trước các doanh nghiệp.

Theo ông Lê Đăng Doanh,trước khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, để doanh nghiệp được thành lập, phải có 35 chữ ký 30 con dấu khác nhau. 

"Tôi biết một ông Chủ tịch tỉnh, một ngày phải làm kịch liệt, ký nhiều nhưng cũng chỉ 30 doanh nghiệp mà thôi. Đấy là bản thân vị Chủ tịch đó “tốt”, còn nếu họ có vấn đề thì doanh nghiệp rất mệt. Doanh nghiệp muốn thành lập, phải có chữ ký, con dấu mà có con dấu, chữ ký phải xin xỏ, phải có gì bôi trơn… Chi phí thành lập doanh nghiệp tốn thời gian và số tiền vô cùng lớn", ông Doanh nói.

Ông Doanh nói thêm, sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời 3 tháng, chưa thấy tỉnh nào động tĩnh gì, chúng tôi đi hỏi thì được biết, vướng mắc chính là ở các tỉnh, chưa hiểu, chưa biết Luật.

Ví dụ có câu chuyện: ngày ấy, có chị là lãnh đạo Bắc Giang nói tôi là Chủ tịch tỉnh nên biết doanh nghiệp nào tốt và cho họ thành lập, còn không tốt thì không cho thành lập. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi lại đạo luật nào cho chị quyền cấp phép như vậy, chị đó ngồi im. 

Hay như Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà, thấy địa phương nhiều khách sạn quá nên cấm xây khách sạn. "Tôi bảo, ông căn cứ vào đâu để cấm, nếu cấm xây khách sạn, các khách sạn cũ giữ giá thì anh xử lý sao, có lợi ích nhóm không? Sau đó ông ấy bỏ quy định đó"...

Rồi việc “Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quy định, doanh nghiệp không được đóng xà lan 2.000 tấn, nhưng chúng tôi về Nam Định, thấy dân họ đóng 5.000 tấn... làm được vậy thì phải có rất nhiều phí bôi trơn” ...

Ông Doanh nhấn mạnh: Sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời mà không có động tĩnh gì từ các địa phương, tôi cùng nhiều người đã báo cáo anh Trần Đức Nguyên, lúc đó là Thư ký của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, đề xuất thành lập Tổ Thi hành Luật Doanh nghiệp. Khi Tổ này được lập ra, những vấn đề mới được giải quyết.

 

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế - nguyên Viện trưởng, Viện CIEM

Buổi chiều cùng ngày, tiếp tục diễn ra Hội thảo.

Kế thừa tất cả tinh thần cải cách của Luật Doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM - thành viên Ban soạn thảo Luật - cho biết, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh an toàn hơn và rẻ hơn. Ông Hiếu nhấn mạnh: “Tại các phiên bản Luật Doanh nghiệp trước, các cải cách tập trung vào gia nhập thị trường nhanh hơn. Song lần này, dư địa riêng cho cải cách nội dung này ở một chừng mực nào đó theo một số ý kiến đã tới hạn, nhưng theo tôi, chúng ta vẫn còn dư địa”.

Vậy dư địa ở đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Hiếu cho biết: “Thực tế thủ tục gia nhập thị trường hiện có 8 bước với 16 ngày, bao gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh (3 ngày), khắc dấu (1 ngày), thông báo mẫu dấu (1 ngày), mở tài khoản ngân hàng (1 ngày)… Để cải cách, Dự thảo Luật Doanh nghiệp, đề xuất bãi bỏ những thủ tục không cần thiết như thủ tục thông báo mẫu dấu…, góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp”.

Nhưng quan trọng hơn, theo đại diện Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Dự Luật nhắm tới mục tiêu nâng cao quản trị doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp kinh doanh an toàn hơn. Theo đó, Dự Luật dự kiến sửa đổi quản trị công ty TNHH theo hướng không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ Doanh nghiệp có vốn nhà nước); mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông về việc tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của công ty…

 

Cùng chung quan điểm trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho rằng, nếu so sánh thực trạng quản lý doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dù đã làm, đã nỗ lực nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn.

Có thể kể đến như, mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước chưa tách bạch với chức năng quản lý nhà nước, kể cả đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước; doanh nghiệp nhà nước chưa hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan (nước, điện...); thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu…

 

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM.

Nói rõ về vấn đề này, ông Phạm Đức Trung cho rằng, vấn đề chính là chưa có đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên thực tế, nên doanh nghiệp nhà nước khó áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Doanh nghiệp nhà nước có chủ sở hữu nằm ngoài doanh nghiệp và là cơ quan hành chính nhà nước nên phải xin phép cơ quan nhà nước về các vấn đề quan trọng của quản trị doanh nghiệp.

Ông Trung cho rằng, trong luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần có quy định đổi mới, tăng cường nhân lực và bộ máy của các cơ quan đại diện chủ sở hữu. Cụ thể, cần quy định về quyền tự chủ của hội đồng thành viên doanh nghiệp nhà nước, theo hướng quyết định là thuộc quyền và trách nhiệm cuối cùng của hội đồng thành viên, không phải của cơ quan bên ngoài.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần hoàn thiện về hệ thống giám sát, tiêu chí đánh giá mức độ an toàn, hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp; phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin theo thông lệ quốc tế những chính sách, chi phí, tiêu chuẩn và quy trình lựa chọn hội đồng thành viên, quản trị; các thông tin về giao dịch, rủi ro và biện pháp quản lý rủi ro, đặc biệt là việc sử dụng các khoản vay lớn. Đây là vấn đề khó khăn nhưng cần phải thực hiện, ông Trung nói.

Năm 1999, Luật Doanh nghiệp ra đời trên cơ sở hợp nhất Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990, tạo ra khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường cũng như tạo sân chơi bình đẳng giữa các loại hình DN. Đồng thời, Luật đối với DN; đảm bảo an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp. Qua 20 năm, Luật DN đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế vào các năm 2005 và 2014, hiện đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Toàn cảnh Hội thảo

 

Nguồn:......

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi