Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”
Tin tức

Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”

31/10/2019 - 2598 lượt xem

Trong khuôn khổ Chương trình "Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam" (Aus4Reform), sáng ngày 30.10.2019, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng”. Hội thảo tập trung đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô 10 tháng năm 2019 và bàn về những động lực cho phát triển kinh tế những tháng còn lại của năm và năm 2020.

Tới tham dự Hội thảo có đông đảo các Chuyên gia kinh tế Việt Nam như: GS.TS. Nguyễn Mại, GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Bà Phạm Chi Lan, Tiến sỹ Lê Đình Ân, Tiến sỹ Đặng Đức Đạm, v.v.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết:  hội thảo tập trung phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô trong 10 tháng năm 2019 và những động lực cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, những nhận định và góc nhìn của các chuyên gia sẽ giúp đưa ra những giải pháp để duy trì tốc độ tăng trưởng.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Tham luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hơp (CIEM) đã trình bày báo cáo tổng quan của CIEM về Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng. Ông Dương nhấn mạnh nội dung báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2019 đã được trình bày tại cuộc họp tham vấn chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ngày 4.10 và được truyền thông rộng rãi. Do vậy, báo cáo tại Hội thảo của CIEM tập trung hơn vào tình hình kinh tế 10 tháng và các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban nghiên cứu Tổng hơp (CIEM)

Theo đó, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, 10 tháng năm 2019 đã chứng kiến bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có không ít bất định, kể cả thách thức không nhỏ đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác điều hành chính sách, cải cách kinh tế của đất nước đã bộc lộ không ít điểm sáng, tạo nên những kết quả tích cực về tăng trưởng kinh tế, ổn định KTVM.

“Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các nước trong khu vực. Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý III/2019 là quý thứ 10 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng. Dù vậy, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo về vấn đề cần củng cố chất lượng tăng trưởng” – ông Dương nhấn mạnh

Cũng theo ông Dương, từ đầu năm đến nay ghi nhận một sốchuyển biến đáng lưu ý về động lực cho tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, khu vực công nghiệp tăng trưởng nhanh hơn, nhất là khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại sau khi sụt giảm trong cùng kỳ năm 2018; tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư, địa điểm dịch chuyển đầu tư tương đối hấp dẫn (nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh hay tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, v.v.), nhưng nếu không sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI có thể khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng, thậm chí sẽ xuất hiện những dự án “núp bóng” đầu tư, gây hệ lụy đến môi trường, xã hội…

Ngoài ra, theo khuyến nghị của ông Nguyễn Anh Dương, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, bằng việc nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến CPTPP, chuẩn bị sẵn sàng những nguồn lực trong nước đáp ứng cho việc phê chuẩn và thực thi FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu, v.v. trong thời gian tới. 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Thay vì kiểm soát bằng cách hệ thống thanh kiểm tra, quy định dày đặc làm méo mó thị trường, thì chuyển sang để thị trường điều tiết nền kinh tế, sau đó Nhà nước bổ sung khiếm khuyết thị trường.

Theo ông, ở Việt Nam, mọi thứ đang đè nén thị trường, do vậy muốn cải cách không có cách nào khác là phải làm vì thị trường, làm thị trường hoạt động tốt hơn, rộng hơn, cạnh tranh hơn.

 TS.Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tiếp đến là tránh để FDI chỉ để “giữ chỗ”. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy GDP 9 tháng năm 2019 ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.Đánh giá về con số tăng trưởng này, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, nhờ những chính sách hợp lý, kinh tế Việt Nam những tháng qua đã có sự tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực. Động lực cho tăng trưởng này là nhờ ở khu vực công nghiệp, khai khoáng và xuất khẩu.

Trong 3 động lực đó, TS. Cung nhìn nhận tăng trưởng xuất khẩu đang phụ thuộc chính vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ không bền vững và nhiều rủi ro. “Tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng đầu năm tăng 7,6%, trong đó XK vào thị trường Mỹ dẫn đầu với mức tăng 26,6%, thị trường Nhật Bản tăng 7,5%, Hàn Quốc tăng 9%. Đáng lưu ý, XK vào thị trường EU giảm 1,9%, Trung Quốc giảm 2,9%, cho thấy rủi ro rất lớn cho Việt Nam”, TS.Cung nói.

Đáng chú ý, đầu tư nhà nước và đầu tư nước ngoài (FDI) không còn là động lực cho tăng trưởng nữa, thậm chí cho thấy đà suy giảm, thể hiện ở số dự án tăng 26% nhưng số vốn đăng ký mới giảm 14,6%, đồng nghĩa với việc quy mô các dự án FDI đang giảm.

“Trong bối cảnh mới như tham gia nhiều FTA, chiến tranh thương mại, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu không có sự sàng lọc tốt và kịp thời, các dự án FDI khó mang lại hiệu quả cao như kỳ vọng; thậm chí có thể gây ra hiện tượng các dự án “núp bóng” gây ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, môi trường, v.v.”, TS. Cung nêu vấn đề. Đồng thời cho rằng cần quản lý dòng vốn FDI, không cho vượt quá ngưỡng hấp thụ của Việt Nam, tránh để FDI vào chỉ để “giữ chỗ”.

Tuy nhiên, việc bình tĩnh cân nhắc lựa chọn dự án FDI là không dễ, nhất là khi không ít quốc gia trong khu vực cũng đón dòng vốn chuyển dịch từ Trung Quốc. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, tăng trưởng kinh tế cần ít dựa vào FDI hơn và tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới.

Điều đáng chú ý khác trong đầu tư nước ngoài là vốn gián tiếp tăng quá mạnh, tới 70,5%. “Họ mua cái gì, ai mua, mua ở đâu? Số tiền này rút ra sẽ làm gì? Mua ở đây chắc chắn là mua tài sản của người Việt Nam, vậy người Việt Nam bán tài sản để rút tiền ra làm gì? Việc mua bán này không làm tăng vốn trong nền kinh tế nếu số vốn rút ra đó không được tái đầu tư. Đây là những câu hỏi mà chúng ta phải bàn nghiêm túc”.

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Mại cho rằng: cũng nên nhìn lại những khó khăn của nền kinh tế và tìm kiếm động lực cho tăng trưởng. Hiện nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tương đối vững, tăng trưởng ngành tốt, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và đảm bảo cuộc sống của người dân. Sắp tới, cần phải tạo động lực trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) một cách chọn lọc, tiếp thu những cái mới của Cách mạng công nghiệp 4.0.

 GSTS. Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế Việt Nam

Diễn giải đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, GS.TS. Nguyễn Mại cho biết: FDI vẫn luôn được xem là động lực tăng trưởng liên tục của Việt Nam trong 30 năm qua. Không chỉ vậy, trong trung hạn – ít nhất là đến năm 2025, ông nhấn mạnh FDI vẫn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước 96 triệu dân.

"Tôi không dựa vào số vốn đăng ký trồi trụt, căn cứ ở đây là vốn thực hiện", ông nói. Cũng theo ông, tỷ trọng đóng góp vào tổng đầu tư xã hội của khối FDI khoảng 22 – 23% (gần 20% GDP), 75 – 77% còn lại là của cho doanh nghiệp trong nước là hợp lý. Do đó, nếu có thay đổi về FDI tức là thay đổi về chất, chứ không phải về số lượng.

Một tiến bộ đáng kể nhất trong thu hút FDI, theo ông Mại là việc mua bán sáp nhập đã bước vào giai đoạn nở rộ với nhiều cơ hội mới. Trong khi giai đoạn 2014 - 2017, quy mô thị trường M&A Việt Nam vào khoảng 5 tỷ USD. Giai đoạn 2017-2019, con số đó là khoảng 7 tỷ USD.

Theo quan sát, ông Mại cho biết từ các thương vụ M&A gần đây có thể nhận ra một số vấn đề.

"Từ doanh nghiệp tư nhân và nhà nước cổ phần hoá đã đẻ ra cầu M&A rất lớn. Ông Phạm Nhật Vượng năm nay nhận được 1 tỷ USD từ Hàn Quốc là một ví dụ. Chúng ta có cầu rất lớn", ông nói.

Ông cũng cho rằng thị trường vốn của Việt Nam rất hấp dẫn. "Nếu không có thị trường mở, đặc biệt chủ trương nới room, sắp tới là sửa luật Chứng khoán thì sẽ không có những thương vụ M&A lớn như vậy.

Việc vốn ngoại vào các doanh nghiệp cũng sẽ tạo ra một số tác động tích cực cho hoạt động quản trị kinh doanh. "Tôi không lo ngại về việc M&A nhanh như vậy, ví dụ như Sabeco khi bán cho người Thái thì đã xuát hiện trên quảng cáo bóng đá ở Anh. Mặt khác, khi thay đổi các quản trị thì năm vừa rồi lãi kinh khủng", ông nói và nhấn mạnh "M&A là một trong những hiện tượng đáng ghi nhận, tiến bộ của FDI".

TS.Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế thì cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 cần những giải pháp thiết thực như: tận dụng hết cơ hội để xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hoá, v.v. “Nên cơ cấu lại sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, cải cách thể chế, tìm ra phương thức quản lý, phân tích kinh tế, thị trường, phải chuyển từ số lượng sang chất lượng và cách thức quản lý như thế nào để hiệu quả hơn, v.v. Từ đó tìm được động lực dài hơi hơn”.

Ảnh: TS.Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế.

Ngoài ra, các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, việc tận dụng lợi ích từ thương mại cho tăng trưởng kinh tế cũng khó hiệu quả nếu doanh nghiệp không tập trung chuẩn bị cho xuất xứ hàng hóa, tham gia vào chuỗi giá trị, cũng như xây dựng kịch bản linh hoạt trong việc xử lý quan hệ thương mại với các thị trường lớn.

Từ những nhận định này, CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ giảm hơn so với năm 2019. Cụ thể, tăng trưởng GDP trong cả năm 2019 của Việt Nam vào khoảng 7,02%, sang năm 2020 sẽ giảm còn 6,72%; lạm phát bình quân năm 2019 là 2,78%, năm 2020 tăng lên 3,17% - vẫn dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra; tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 là 8,13%, năm 2020 là 7,64%, v.v.

Toàn cảnh Hội thảo.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi