Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” (18/9/2019)
Tin tức

Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” (18/9/2019)

19/09/2019 - 3329 lượt xem

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Dự thảo Bộ Luật có 162 điều được sửa đổi, 29 điều được bổ sung, bãi bỏ 49 điều so với Bộ Luật Lao động hiện hành, và đang trong giai đoạn hoàn thiện, xin ý kiến rộng rãi để trình Quốc hội dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Ngày 18/9/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” nhằm góp thêm tiếng nói chung cùng người lao động và người sử dụng lao động vào đề xuất Dự thảo Bộ Luật Lao động mới. TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Đến dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ một số bộ, ngành, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội, trường đại học, hiệp hội nghề nghiệp, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, chuyên gia độc lập, cơ quan thông tấn, báo chí, đài truyền hình.

TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo

          Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động đã trình bày bài tham luận “Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Nhận định một số tác động ảnh hưởng tới người lao động, ngành nghề và nền kinh tế”. Bài trình bày nêu lên 8 vấn đề lớn cần được xem xét, sủa đổi, bổ sung trong Dự thảo. Trong đó đáng chú ý là các quy định thời gian làm thêm giờ của lao động và vấn đề về tiền lương. Theo VCCI, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm theo tuần, theo tháng, chỉ quy định theo năm.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động trình bày tham luận

Trong một số quy định mới của dự thảo, có thể kể đến một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo Bộ Luật mới; hoặc có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động.

 Các đại biểu thảo luận:

 

Có ý kiến cho rằng, trong khoảng 10 năm qua, năng suất lao động tăng không nhiều, nhưng lương tối thiểu tăng rất nhiều. Như vậy làm ảnh hưởng đến cạnh tranh trên thị trường lao động. Trong ngành sản xuất da giày, những năm 90 của thế kỷ trước chi phí nhân công chiếm 15%, hiện tại tỷ lệ này đã tăng gấp đôi khoảng 30%, nên doanh nghiệp phải tìm cách cân bằng (giảm chi phí đầu vào). Điều đó khiến cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên “kém hoặc không giá trị.

Bên cạnh đó, còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về các quy định trong Bộ Luật Lao động sửa đổi liên quan đến tuổi nghỉ hưu, hợp đồng lao động, tiền lương tối thiểu,…

Toàn cảnh hội thảo

Bộ Luật Lao động sửa đổi là bộ luật có phạm vi điều chỉnh lớn và có ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tính cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới, có tác động rất lớn đến hàng chục triệu lao động trên cả nước. Xuất phát từ “lợi ích quốc gia”, với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi chính thức được trình tại Quốc Hội và được các đại biểu bấm nút thông qua vào tháng 10/2019./.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930


Tin tức khác