Hội thảo “Thay đổi cách thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh” (13/6/2019)
Tin tức

Hội thảo “Thay đổi cách thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh” (13/6/2019)

17/06/2019 - 3528 lượt xem

 

Ngày 13/6/2019, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương với sự phối hợp và hỗ trợ của Chương trình Đối tác Chiến lược Ốtxtrâylia – Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2 (ABP2) đã tổ chức Hội thảo “Thay đổi cách thức tiếp cận nhằm nâng cao hiệu quả cải cách môi trường kinh doanh”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, và TS Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo này. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều hoạt động liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, qua đó mang lại những góc nhìn đa chiều cho một chủ đề vốn luôn được quan tâm trong nhiều năm trở lại đây.

     TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội t hảo  

 

 TS. Đoàn Hồng Quang, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Trong phần đầu của Hội thảo, các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe bài trình bày của bà Sylvia Solf, Chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân và bà Trần Thu Trang, Chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới về chủ đề “Biến khu vực tư nhân thành động lực tăng trưởng quan trọng: Ưu tiên về cải cách môi trường pháp lý cho kinh doanh”. Bài trình bày đã nêu lên một số vấn đề chính về môi trường kinh doanh tại Việt Nam như: (1) Tổng quan về khu vực doanh nghiệp, môi trường pháp lý của Việt Nam; (2) Kết quả tính toán dữ liệu hiệu quả hoạt động ở cấp doanh nghiệp và dữ liệu nhận thức ở cấp tỉnh để xác định những lĩnh vực/vấn đề cần cải cách; (3) Đề xuất thay đổi cách tiếp cận từ lấy cơ quan quản lý nhà nước làm trung tâm sang lấy công dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

     

 Bà Sylvia Solf, Chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới trình bày tại Hội thảo

Theo đó, thời gian qua, cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, khu vực doanh nghiệp đã mở rộng nhanh chóng. Dù vậy, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang có những dấu hiệu chững lại. Tình trạng “phân cấp” cũng có nguy cơ mở rộng hơn khi các loại công ty chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp nhưng lại có đóng góp lớn vào kết quả chung của toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Trong bối cảnh như vậy, việc cải cách môi trường kinh doanh hiệu quả sẽ góp phần tạo lập nền tảng cho mọi doanh nghiệp tiếp tục phát triển và hạn chế những tác động tiêu cực. Những lĩnh vực cải cách tiềm năng mà Việt Nam có thể tập trung trong thời gian tới có thể kể đến như: nâng cao chất lượng thể chế và hệ thống tư pháp, đảm bảo quyền sử dụng đất, minh bạch các văn bản pháp lý ở tất cả các cấp,… Bài trình bày còn nêu lên một số giải pháp định hướng như thay đổi mô thức tiếp cận vấn đề, tăng cường sự tham gia của các bên vào quá trình cải cách.

         

Bà Trần Thu Trang, Chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới trình bày tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã tham gia thảo luận, trong đó nổi lên một số ý kiến chính như: (1)  Cách tiếp cận của bài trình bày khá hay, tuy nhiện để thực sự triển khai hiệu quả tại Việt Nam thì cần cụ thể hơn nữa các vấn đề nào ưu tiên xử lý trước, vấn đề nào sau và tác động dự kiến đến các đối tượng liên quan; (2)  Để kinh tế Việt Nam phát triển thì không thể không tiếp tục cải cách, phải cải cách mạnh mẽ hơn và minh bạch, rõ ràng hơn (khung pháp lý, thể chế, hành chính) và cần có sự tham gia tích cực của chính quyền cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; (3)  Vấn đề thực thi chính sách cần được chú trọng hơn để thực sự hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Quá trình này cần song hành với việc nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân, tư duy của cán bộ thực hiện (không để xảy ra tình trạng sợ trách nhiệm, định kiến, sợ sai, lợi ích nhóm,…); (4)  Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân gia nhập thị trường và rút lui khỏi thị trường trong thời gian qua gần như bằng nhau, thậm chí việc doanh nghiệp dừng hoạt động cũng có giai đoạn tăng, mức đầu tư giảm. Rõ ràng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân có thể đến từ yếu tố vĩ mô, khủng hoảng kinh tế 10 năm trước; hoặc cũng có thể đến từ tình trạng chi phí tuân thủ nhiều, kèm theo là việc kiểm tra, thanh tra chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp,… Mặt khác, trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp tìm được cơ hội đầu tư, có dự án tốt nhưng không tiếp cận được nguồn lực (đất đai, tài chính tín dụng, thông tin thị trường, công nghệ,….) nên rất khó khăn phát triển dự án kinh doanh. Đề xuất cần thiết có những chính sách mạnh mẽ để cải thiện những điểm nghẽn này, mang lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

           Đại biểu phát biểu tại Hội thảo 

Một số ý kiến khác tập trung trao đổi những vấn đề pháp lý đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tại Việt Nam như: (1) Sự chồng chéo của một số văn bản quy phạm pháp luật hoặc đang thực hiện nhưng bổ sung thêm những điều kiện làm ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại của các tổ chức kinh tế; (2) Ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; chưa thực sự hiểu và đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Nhà đầu tư tư nhân ít quan tâm, tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, chỉ làm sao đủ điều kiện để tham gia thị trường, nhưng khi xuất hiện yếu tố tranh chấp thì chủ yếu giải quyết theo “tình”. Tình trạng này vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng bởi thói quen, văn hóa của người dân từ xưa đến nay; (3) Cải cách môi trường pháp lý cho doanh nghiệp cần quan tâm cả chất lượng các quy định quy định lẫn việc thực thi ở tất cả các cấp, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, liên thông và thuận lợi cho người dân tuân thủ.

Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh  cải cách môi trường kinh doanh cần tiến hành liên tục và mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam.

 

Nguồn: Trung tâm Tư vấn, đào tạo và Thông tin tư liệu

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Thư viện - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tầng 4, nhà D, 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi