Một số giải pháp cắt giảm chi phí doanh nghiệp ở Việt Nam
Hoạt động

Một số giải pháp cắt giảm chi phí doanh nghiệp ở Việt Nam

29/03/2019 - 4201 lượt xem

 

Tóm tắt đề tài

1. Tên đề tài: Một số giải pháp cắt giảm chi phí doanh nghiệp ở Việt Nam

- Cấp quản lý: cấp Bộ

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

2. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

3. Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu tổng quát của đề tài: Đề xuất các giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời gian tới.

Mục tiêu cụ thể của đề tài: (1) Tổng quan làm rõ lý luận về chi phí của doanh nghiệp và cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp; (2) Đánh giá thực trạng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong một số ngành lựa chọn; (3) Đề xuất các giải pháp nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

- Đối tượng: Đề tài nghiên cứu các loại chi phí tuân thủ và chi phí phát sinh từ việc thực hiện các quy định pháp luật, chính sách của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, kinh doanh; tập trung phân tích những chi phí bất hợp lý, cản trở năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Phạm vi nghiên cứu:

+ Phạm vi nội dung: Bao gồm các chi phí tuân thủ pháp luật doanh nghiệp phải chịu kể từ khi gia nhập thị trường đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về nghiên cứu trường hợp, đề tài tập trung vào ba ngành: dệt may, da giày và chế biến thủy sản. Đây là các ngành Việt Nam có đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp vào xuất khẩu, tạo việc làm, có lợi thế phát triển, tập trung nhiều doanh nghiệp trong nước, bị ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố bên ngoài như thị trường xuất khẩu, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường...

+ Phạm vi không gian: Đề tài có phạm vi nghiên cứu trong cả nước và nghiên cứu kinh nghiệm về cắt giảm chi phí tuân thủ của một số nước trên thế giới.

+ Phạm vi thời gian: Phần thực trạng, đề tài nghiên cứu chi phí tuân thủ theo quy định pháp luật còn hiệu lực và đang được thi hành trên thực tiễn; phần đề xuất kiến nghị giải pháp, đề tài sẽ đưa lộ trình thực hiện tới năm 2025.

5. Phương pháp nghiên cứu

  - Cách tiếp cận: Đề tài tiếp cận từ góc độ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các loại chi phí có nguồn gốc từ quy định pháp luật của Nhà nước và việc thi hành các quy định này.

Đề tài tiếp cận toàn diện để đánh giá các loại chi phí tuân thủ pháp luật về kinh doanh trong toàn bộ chu trình đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Phương pháp nghiên cứu:

Để tìm ra các chi phí bất hợp lý, đề tài sử dụng các phương pháp mô tả, thống kê, so sánh, khảo sát thực tế (doanh nghiệp và chuyên gia). Đồng thời, đề tài cũng sử dụng phương pháp phân tích chi phí-lợi ích để đánh giá hiệu quả của các quy định pháp luật về kinh doanh.

Nghiên cứu được thực hiện theo các bước sau:

+ Bước 1: Xác định các loại chi phí ở từng công đoạn.

+ Bước 2: Đánh giá các loại chi phí hiện hành để chỉ ra các chi phí bất hợp lý, không cần thiết.

+ Bước 3: Phân tích nguyên nhân trong chính sách, thể chế và cơ chế thi hành (do quy định pháp luật hay do thực thi pháp luật, các nguyên nhân sau xa khác, v.v.) đang gây ra, làm tăng chi phí một cách bất hợp lý. Bước này giúp đề tài chỉ ra quy định pháp luật nào, văn bản nào, hoặc hành vi nào của cơ quan, cán bộ thi hành chính sách đã gây ra các chi phí đó. Ở bước này, đề tài sẽ sử dụng các phương pháp phân tích chi phí-lợi ích, so sánh (benchmarking) trong nước và quốc tế để chỉ ra những nội dung chính sách hoặc hành vi bất hợp lý, cần sửa đổi.

+ Bước 4: Từ phân tích nguyên nhân và thực tiễn tốt trong và ngoài nước, đề tài sẽ đề xuất kiến nghị chính sách nhằm giảm chi phí của doanh nghiệp, bao gồm cả kiến nghị về từng chính sách cụ thể và kiến nghị chính sách bao trùm mang tính hệ thống.

5. Kết quả nghiên cứu

Đề tài được kết cấu như sau:

- Mở đầu

Chương I: Cơ sở lý luận về cắt giảm chi phí doanh nghiệp

Chương II: Thực trạng chi phí doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày và chế biến thủy sản

Chương III: Quan điểm, định hướng và giải pháp cắt giảm chi phí doanh nghiệp

- Kết luận

 

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi