Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” (27/11/2018)
Hội nghị hội thảo

Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” (27/11/2018)

28/11/2018 - 3930 lượt xem

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết Việt Nam, là một nước thu nhập trung bình thấp, đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Khoa học công nghệ luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Diễn đàn

TS. Michael Krakowski cho biết mục tiêu của Diễn đàn là lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Chiến lược CMCN 4.0. Diễn đàn cũng là nơi để trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức cho Việt Nam do CMCN 4.0 đem lại. Từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Ảnh 2: TS. Michael Krakowski – Cố vấn trưởng, Giám đốc GIZ phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn CMCN 4.0 bao gồm 2 phiên thảo luận, trong đó có 7 bài trình bày chính:

- “Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0: Đánh giá và đề xuất chính sách” – TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM);

- “Tổng quan các xu hướng quốc tế trong Công nghiệp 4.0/ hệ thống công ngheiẹp 4.0 và số hoá ở Đức” – TS. Matthias Kuezel, VDI/VDE-IT;

- “Đề xuất chính sách nhằm nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0” – Ông Đinh Quang Trung – Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin truyền thông;

- “Giáo dục trong bối cảnh CMCN 4.0” – PGS.TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam;

- “Bình luận Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0” – TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, Nguyên Viện trưởng CIEM;

- “Cơ chế hỗ trợ cụ thể của Nhà nước cho CMCN 4.0” – TS. Matthias Kuezel, VDI/VDE-IT;

- “Doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Chính sách CMCN 4.0” – TS. Nguyễn Nhật Quang – Phó Chủ tịch VINASA, kiêm Viện trưởng Viện khoa học công nghệ VINASA.

Ảnh 3: Các diễn giả trình bày tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, TS. Đặng Quang Vinh đưa ra những đánh giá về tác động của CMCN 4.0 đến kinh tế Việt Nam, đồng thời phân tích thuận lợi và thách thức của Việt Nam khi thực hiện CMCN 4.0. Qua đó, đề xuất 6 nhóm giải pháp chính sách, cụ thể là: (1) Xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0 (Về thể chế, hạ tầng và nhân lực); (2) Chuyển đổi quản trị nhà nước; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0; (4) Phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo; (5) Thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0; và (6) Tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới, ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm của nước Đức, TS. Matthias Kuezel cho biết, 60 % số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Đức nhận thức rõ về số hoá, tuy nhiên, chỉ có 25% số doanh nghiệp này đã xây dựng chiến lược của mình. Theo ông Matthias Kuezel, số hoá các quy trình tạo ra giá trị không chỉ giảm chi phí mà còn giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh hơn. Một trong những nhân tố thành công trong quá trình áp dụng CMCN 4.0 là mở ra cơ cấu đối tác và hợp tác mới, lôi kéo sự tham gia của khách hàng qua công nghệ số.

Đề xuất chính sách nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0, ông Đinh Quang Trung cho rằng, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông có tính chất chiến lược, tạo nền tảng, tác động lan tỏa; Giám sát, cảnh bảo và hướng dẫn xử lý mối đe dọa, nguy cơ an toàn thông tin; Nghiên cứu đảm bảo an toàn thông tin đối với các lĩnh vực có phát sinh các thách thức mới; v.v…

Ảnh 4: Các đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng điều quan trọng nhất là phải cải cách, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh, sáng tạo; đồng thời, giảm chi phí không chính thức, giám sát sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp./.

Ảnh 5: Toàn cảnh Diễn đàn

Tệp đính kèm:

- Tài liệu Diễn đàn

 

Tham khảo tài liệu Diễn đàn tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi