Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Các ngành công nghệ mới của Việt Nam” (21/11/2018)
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Các ngành công nghệ mới của Việt Nam” (21/11/2018)

22/11/2018 - 3438 lượt xem

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án CIEM - GIZ năm 2018, ngày 21/11/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0 và Các ngành công nghiệp mới của Việt Nam”. Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết ngày nay, với sự bùng nổ của kết nối internet và thiết bị di động, nhiều ngành công nghệ mới đã xuất hiện dựa trên nền tảng của internet và công nghệ thông tin. Sự nổi lên của các ngành này được xem là một phần quan trọng của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra rộng khắp trên toàn thế giới. Tại nhiều quốc gia, các ngành mới đang phát triển nhanh chóng và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Đặng Quang Vinh – Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) giới thiệu tổng quan về ngành công nghiệp mới nổi và thực trạng phát triển các ngành công nghiệp mới này ở Việt Nam. Theo đó, các ngành công nghiệp mới nổi ở Việt Nam có tiềm năng kinh tế rất lớn. Từ năm 2016 với đề án thí điểm của Bộ Giao thông, dịch vụ đặt xe qua app như Grab, GoViet, Vato, v.v… phát triển khá nhanh, nhiều doanh nghiệp mới liên tục xuất hiện. Đặt phòng online ở Việt Nam phát triển mạnh mặc dù chưa có khung pháp lý cụ thể. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam khá tốt, có khả năng thích nghi cao và trình độ lao động có thể xây dựng được các giải pháp công nghệ tương đương với nước ngoài.

Ảnh 2: TS. Đặng Quang Vinh – Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM)  trình bày báo cáo

Báo cáo cũng chỉ ra những thách thức trong việc phát triển các ngành công nghiệp mới như thiếu nhiều lao động IT; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu; chậm ban hành thể chế mới hoặc khung thể chế thử nghiệm; quy định tạo ra môi trường không bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; và thị trường trong nước còn hạn chế, quy mô các khoản đầu tư nhỏ; v.v…

Để tận dụng được các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, TS. Quang Vinh cho rằng, Nhà nước cần hợp tác với doanh nghiệp để nắm bắt thông tin, xây dựng khung thể chế cần thiết, vừa tạo hành lang pháp lý cho kinh doanh vừa hạn chế rủi ro cho xã hội. Đồng thời, nhanh chóng sửa các quy định kinh doanh không phù hợp; ban hành các quy định mới hoặc khung thể chế thử nghiệm. Về nhân lực, cần có chính sách thuế để hút nhân lực, nhất là người Việt về Việt Nam làm việc; tăng cường hợp tác đại học - doanh nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo trong doanh nghiệp; mở rộng các mô hình EduTech/Learning trong lĩnh vực IT./.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác