Hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách” (01/11/2018)
Tin tức

Hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách” (01/11/2018)

02/11/2018 - 3353 lượt xem

Để có cơ sở báo cáo, đánh giá chất lượng các quy định, cập nhật thực trạng và đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật liên quan, ngày 01/11/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4reform) tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án Aus4reform chủ trì.

Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là ưu tiên trọng tâm của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu về cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành. Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy định và thủ tục về Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là nội dung được nhiều cơ quan và doanh nghiệp quan tâm. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi và thảo luận về các vấn đề liên quan đến kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật. Qua đó tìm kiếm các giải pháp nhằm cải cách thủ tục kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, song vẫn đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án Aus4reform phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện Cục Thú y đã giới thiệu về 2 Dự thảo: (1) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và (2) Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản.

Ảnh 2: Đại diện Cục Thú y giới thiệu 2 Dự thảo tại Hội thảo

Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia, Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý (Cục Hải Quan) cho biết quán triệt Nghị quyết số 19, trong thời gian qua, có nhiều bộ quản lý chuyên ngành đã thực hiện rất tốt trong việc cải cách toàn diện các quy định như Bộ Y tế (về an toàn thực phẩm); Bộ Công thương (về formaldehyt, dán nhãn); Bộ Tài nguyên và Môi trường (về danh mục) và Bộ Khoa học và Công nghệ (về chuyển sau thông quan); v.v… Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong lĩnh vực kiểm dịch thú y như: phạm vi quá rộng; thủ tục phức tạp và chi phí quá cao.

Ảnh 3: Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia, Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý (Cục Hải Quan) phát biểu tại Hội thảo

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) cho rằng Dự thảo sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT đã có tiến bộ trong việc quản lý theo rủi ro khi tách các mặt hàng nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Tuy nhiên, danh mục sản phẩm nguy cơ cao và nguy cơ thấp cần được làm rõ ràng hơn. Ví dụ, sữa tươi nguyên liệu được xếp vào nhóm nguy cơ cao nhưng lại chưa thấy có sữa bột nguyên liệu, hay “sữa đã qua chế biến” được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng không rõ là thuộc mã HS nào.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, yêu cầu kiểm dịch động vật đối với bất kỳ sản phẩm nào có chứa sữa hay thành phần từ sữa, bất kể đã hay chưa qua chế biến trong Thông tư 25/2016 và 24/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và tăng chi phí cho doanh nghiệp. Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam đề xuất chỉ nên thực hiện kiểm dịch đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế và đối với các sản phẩm dinh dưỡng đóng gói đã có chứng nhận y tế (Health Certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xuất khẩu xác nhận nên được miễn kiểm tra thú ý.

Ảnh 4: Các đại biểu tham dự phát biểu tại Hội thảo

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cũng kiến nghị cần phải có danh mục miễn kiểm tra thực phẩm. 

Tại Hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Huy Lưu cũng kiến nghị, cần có cải cách trong việc cắt giảm danh mục, đổi mới trong cấp phép và kiểm tra hàng hoá tại cửa khẩu. Cụ thể như việc quản lý rủi ro, thu thập thông tin dữ liệu để xác định đối tượng trọng điểm như mặt hàng, nước xuất khẩu, doanh nghiệp có nguy cơ cao để áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra. Đối tượng có nguy cơ thấp thì cần hạn chế kiểm tra, lấy mẫu tại cửa khẩu. Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chế độ hậu kiểm để thuận lợi cho việc kiểm tra trong lưu thông. 

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đánh giá cao Cục Thú Y đã bổ sung, sửa đổi Thông tư đồng thời ghi nhận góp ý của các cơ quan, tổ chức vào 2 bản dự thảo. Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, cần xem xét rõ ràng và cụ thể hơn về quy trình thủ tục, hồ sơ, chi phí sao cho nhất quán; hồ sơ được quy định đơn giản thì việc thực hiện trên thực tế sẽ có nhiều thuận lợi./.

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi