Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp” (30/10/2018)
Hội thảo

Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp” (30/10/2018)

30/10/2018 - 3639 lượt xem

Nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 30/10/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Tác động của chính sách, các rào cản và giải pháp”. Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết trong thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô trong nước vẫn chưa phát triển và tỷ lệ nội địa hoá còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, đánh giá tác động của các chính sách hiện hành đến phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và chia sẻ những rào cản hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất linh, phụ kiện. Qua đó đề xuất các giải pháp để tạo động lực cho doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược Công nghiệp hóa.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Lương Đức Toàn – Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết hiện nay, tổng số các doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô là 358 doanh nghiệp, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe; và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô. Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ sản xuất và lắp ráp ô tô ở Việt Nam mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện, phụ tùng đơn giản như: thùng xe, nhíp lò xo, ống xả, ruột két nước, v.v… Đầu tư cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô còn mang tính nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra ít cả về chủng loại và sản lượng. Sức cạnh tranh quốc tế của công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô còn hạn chế, nhất là các sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.

Ảnh 2: Ông Lương Đức Toàn – Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) trình bày tại Hội thảo

Theo ông Đức Toàn, dòng ô tô dưới 9 chỗ ngồi từng được đặt mục tiêu nội địa hóa 40% vào năm 2005 và tăng lên 60% vào năm 2010. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đạt bình quân từ 7 - 10%, một số dòng xe do Trường Hải (THACO) lắp ráp đạt tỷ lệ nội địa hóa 15 - 18%. Ngay cả dòng xe du lịch như Toyota Innova - dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất hiện nay - cũng chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa 37%. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hoá trên sản phẩm xe du lịch tại Thái Lan là 85%, tại Indonesia là 80% và tại Malaysia là 75%. Theo tính toán của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), do tỷ lệ nội địa hóa thấp nên chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 20% so với các quốc gia trong khu vực. Điều này khiến giá bán ô tô trong nước khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.

Ảnh 3: Ông Shinjiro Kajikawa – Phó Giám đốc Toyota Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, ông Shinjiro Kajikawa – Phó Giám đốc Toyota Việt Nam cho biết quy mô thị trường sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô. So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường Việt Nam mới chỉ bằng một phần nhỏ. Đây là nguyên nhân dẫn đến chi phí sản xuất ở Việt Nam cao. Chi phí sản xuất xe tại Việt Nam cao hơn xe nhập khẩu 15-30%. Nếu tính cả chi phí vận chuyển, xe ô tô sản xuất tại Việt Nam vẫn đắt xe nhập ngoại 10-20%. Do đó, ông Shinjiro Kajikawa cho rằng nhà nước Việt Nam cần sớm thông qua những định hướng, chủ trương như hỗ trợ đầu tư phát triển khuôn mẫu, giúp thị trường nhanh chóng tăng trưởng và nội địa hóa diễn ra một cách mạnh mẽ.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đều cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Vì vậy, để đưa ngành công nghiệp ô tô phát triển, đòi hỏi Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước theo hướng rõ ràng, minh bạch và có lộ trình đủ dài để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Ảnh 4: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Phó Viện trưởng Tuệ Anh cho rằng để ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô phát triển mạnh mẽ, cần đẩy nhanh tốc độ nội địa hóa và đặc biệt Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành này./.

Tham khảo tài liệu Tọa đàm tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi