Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách” (29/10/2018)
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách” (29/10/2018)

30/10/2018 - 3546 lượt xem

Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án CIEM-GIZ năm 2018, ngày 29/10/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics: vấn đề và kiến nghị chính sách”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM và ông Michael Krakowski – Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh (GIZ) đồng chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics; từng bước giảm chi phí và cải thiện hiệu quả logistics, là một trong những mục tiêu của Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về thực trạng hoạt động logistics ở Việt Nam hiện nay và nhận diện những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động logistics. Qua đó đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Michael Krakowski cho rằng tiềm năng logistics ở Việt Nam là rất lớn, để có thể tận dụng lợi thế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần xác định các rào cản chính sách của ngành logistics và từ đó đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể.

Ảnh 2: Ông Michael Krakowski – Cố vấn trưởng, Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô và tăng trưởng xanh (GIZ) phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày thực trạng năng lực cạnh tranh ngành logistics ở Việt Nam. Theo đó, hiệu quả logistics trong năm 2018 đã có cải thiện tốt, xếp hạng thứ 39 trên thế giới (tăng 25 bậc so với năm 2016) và tăng từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, Việt nam là một trong những thị trường có hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn so với các thị trường có mức thu nhập tương đương. Tuy nhiên, thời gian thông quan vẫn còn dài, chi phí cao và thủ tục quản lý chuyên ngành vẫn còn nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tới hoạt động logistics ở Việt Nam.

Ảnh 3: Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày báo cáo 

Về một số hạn chế và khó khăn trong hoạt động logistics, theo bà Minh Thảo, vận tải đa phương thức chưa phát triển do cơ sở hạ tầng bến bãi chưa được quy hoạch hợp lý và đầu tư thiếu đồng bộ trong kết nối các phương thức vận tải. Rào cản về điều kiện kinh doanh như giấy phép bưu chính khi vận chuyển giấy tờ; yêu cầu dán phù hiệu “xe tải”; điều kiện công nhận địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất khẩu nhập khẩu tập trung và điạ điểm CPN, hàng bưu chính; v.v… là những trở ngại lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics.

Ảnh 4: Ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho biết để có thể hoạt động hiệu quả nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần sử dụng một hệ thống hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có hạ tầng logistics tốt để phục vụ trong nội địa mà mới chỉ dừng lại ở hệ thống cảng biển và sân bay chủ yếu phục vụ hàng hoá xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cần kiến tạo môi trường số và nền kinh tế số thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logisitcs.

Ảnh 5: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Trong phiên thảo luận, các đại biểu tham dự đã trao đổi rất sôi nổi về những khó khăn, vướng mắc và bất cập đối với hoạt động logistics ở Việt Nam cũng như kiến nghị những giải pháp cụ thể đối với ngành này.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của các diễn giả và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Tham khảo tài liệu Tọa đàm tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi