Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” (11/09/2018)
Hội thảo

Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” (11/09/2018)

12/09/2018 - 4808 lượt xem

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ”, Bộ đã xây dựng và lấy ý kiến góp ý từ các Bộ ngành Trung ương và 05 tỉnh/thành phố cho dự thảo Báo cáo và Tờ trình Đề án mô hình kinh tế chia sẻ. Để hoàn thiện các dự thảo của Đề án nêu trên trình Chính phủ  trong phiên họp thường kỳ tháng 9, ngày 11/09/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn “Hoàn thiện Đề án mô hình kinh tế chia sẻ”. Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Tuệ Anh cho biết mục tiêu tổng quát của Đề án là đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu các mặt tiêu cực đến các bên tham gia mô hình kinh tế này ở Việt Nam. Cụ thể, làm rõ bản chất, nội hàm và nhận dạng các hoạt động kinh tế chia sẻ, đồng thời phân tích thực trạng phát triển kinh tế chia sẻ và phản ứng chính sách ở Việt Nam. Qua đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam. Kết cấu Đề án gồm 3 phần: (I) Thực trạng phát triển mô hình kinh tế chia sẻ và hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với loại hình kinh tế này; (II) Giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về kinh tế chia sẻ ở Việt Nam; và (III) Tổ chức thực hiện.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày những nội dung chính của báo cáo. Theo đó, về thực trạng hoạt động ở Việt Nam, kinh tế chia sẻ (KTCS) chưa phát triển mạnh nhưng cũng có tiềm năng lớn để phát triển. Thực tế hiện nay, một số loại hình KTCS đã xuất hiện, trong đó nổi lên ba loại hình dịch vụ là vận tải trực tuyến, chia sẻ phòng ở và cho vay ngang hàng. Ngoài ra, nhiều dịch vụ KTCS khác cũng đã được hình thành trên thực tế như trong dịch vụ du lịch, chia sẻ chỗ làm việc, gửi xe, chia sẻ nhân lực ,v.v… Tuy nhiên, sự phát triển của các dịch vụ này trong thời gian vừa qua mang tính tự phát và chưa có các chính sách quản lý thích ứng. Ví dụ như trong trường hợp dịch vụ vận tải, mặc dù đã có chính sách cho phép thí điểm nhưng bản thân chính sách cho loại hình dịch vụ này vẫn còn cần hoàn thiện hơn.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Mạnh Hải – Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày nội dung chính của báo cáo

Về thực trạng quản lý nhà nước đối với thuế và thanh tra, kiểm tra dịch vụ chia sẻ, TS. Mạnh hải cho biết cơ bản các chính sách thuế và quản lý thuế đối với loại hình KTCS đã được ban hành. Tuy nhiên, khó khăn trong việc phân loại những ngành nghề kinh doanh trong kinh tế chia sẻ gây nên khó khăn cho cơ quan thuế xác định nghĩa vụ nộp thuế của các bên, đặc biệt là đối với các nền tảng ngoài biên giới. Bên cạnh đó, cơ chế thanh toán (qua thẻ tín dụng) sẽ được thông qua người kết nối trung gian, người cung cấp và người sử dụng dịch vụ đều phải trả một khoản phí nhất định đối với trung gian này. Tuy nhiên, tùy theo phân loại nền tảng tập trung, phi tập trung, hỗn hợp mà có cơ chế xác định phí là khác nhau.

Tại phiên thảo luận, các ý kiến đều đánh giá báo cáo đã phân tích đúng thực trạng hoạt động của mô hình KTCS và thực trạng quản lý nhà nước ở Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo cũng nêu lên những ưu điểm cũng như bất cập và rủi ro của Việt Nam khi thực hiện mô hình này, qua đó đưa ra những giải pháp chính sách cụ thể.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày của TS. Nguyễn Mạnh Hải và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Phó Viện trưởng Tuệ Anh yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến và sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ trong tháng thời gian tới./.

Tệp đính kèm:

- Chương trình Hội thảo

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi