Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” (05/09/2018)
Tin tức

Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020” (05/09/2018)

06/09/2018 - 4017 lượt xem

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, ngày 05/09/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4reform) tổ chức Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Aus4reform chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế gồm 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp Bộ, ngành. Trong đó, có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Có 24% mục tiêu cơ cấu lại dự kiến hoàn thành, 32% có khả năng hoàn thành và 41% khó hoàn thành. 

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM, Giám đốc Aus4reform phát biểu khai mạc Hội thảo

Về quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2018, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực như kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh những thành tích đạt được, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn bộc lộ những hạn chế như: nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả. Các dòng chảy lớn chuyển dịch còn chậm như: chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức. Trong khi, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng. 

Ảnh 2: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng chia sẻ và phân tích về những thách thức trong cải cách tài chính công ở Việt Nam. Theo đó, thách thức với chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) như nhiều nguồn thu NSNN chưa bền vững, ưu đãi thuế và hệ quả với NSNN, hiệu quả thu thuế khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và nền kinh tế, khả năng cải cách chính sách cho tăng thu NSNN trong ngắn hạn và trung hạn. Thách thức với chính sách liên quan đến chi NSNN như kỷ luật ngân sách, quy mô chi tiêu ngân sách, điều chỉnh cơ cấu chi tiêu, chi đầu tư phát triển, v.v…

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn và ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Viện trưởng Cung cho rằng, để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế và đặc biệt là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, nhất là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng), thị trường quyền sử dụng đất; thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường./.

Tệp đính kèm:

- Chương trình Hội thảo

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi