Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật” (21/08/2018)
Hội thảo

Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật” (21/08/2018)

23/08/2018 - 4240 lượt xem

Ngày 21/08/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo “Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thực hiện Luật”. Hội thảo là diễn đàn để các bên liên quan chia sẻ quan điểm, nhận diện vấn đề, từ đó đề xuất các kiến nghị sửa đổi văn bản hoặc tổ chức thực thi, qua đó giúp Chính phủ có quyết định phù hợp về việc ban hành Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết sau ba năm thực hiện, Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã bộc lộ những tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá dịch vụ vận tải bằng ô tô. Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP và đến nay đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Dự thảo còn nhiều nội dung bất cập, thể hiện sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và những vướng mắc trong vận tải bằng xe ô tô chưa được giải quyết.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Dự thảo Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới nhất đang được lấy ý kiến đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện về màu sơn biểu trưng, niêm yết logo, trung tâm điều hành, thiết bị liên lạc, đồng phục, v.v... Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định đã mở rộng thêm các điều kiện kinh doanh chứ không chỉ cắt bỏ. Họ cắt bỏ 12 điều kiện nhưng bổ sung 85 điều kiện, trong đó có 64 điều kiện bổ sung mới và 21 điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Giao thông Vận tải.

Bên cạnh đó, một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo này là những quy định liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ như Uber, Grab và taxi truyền thống. Theo TS. Cung, Uber và Grab chỉ là 1 hiện tượng của một xu thế, bản chất là nền kinh tế chia sẻ, nền kinh tế số. Muốn cạnh tranh với Uber và Grab thì các doanh nghiệp taxi truyền thống nên tìm giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới cạnh tranh hơn.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho biết mặc dù Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp thu và cắt giảm nhiều thủ tục, yêu cầu không cần thiết so với các dự thảo trước, nhưng dự thảo Nghị định gần nhất vẫn còn một số thủ tục, yêu cầu chưa rõ mục tiêu quản lý, tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp vận tải.

Ảnh 2: Toàn cảnh Hội thảo

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng thay vì áp đặt, bó hẹp hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ trong tầm quản lý hiện nay, Dự thảo cần đưa ra các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ ngày càng tham gia sâu hơn vào việc ứng dụng khoa học công nghệ trong vận tải./.

Tệp đính kèm:

- Chương trình Hội thảo

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                      ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi