Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự luật thuế (sửa đổi) liên quan đến sản phẩm nước giải khát có đường ở Việt Nam” (17/07/2018)
Hội nghị hội thảo

Hội thảo công bố Báo cáo “Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự luật thuế (sửa đổi) liên quan đến sản phẩm nước giải khát có đường ở Việt Nam” (17/07/2018)

19/07/2018 - 4274 lượt xem

Ngày 17/07/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự án luật thuế (sửa đổi) liên quan đến sản phẩm nước giải khát có đường ở Việt Nam”. Hội thảo do Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì.

Ảnh 1: Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Phan Đức Hiếu cho biết Chính sách thuế mới đối với nước giải khát có đường đang được Bộ Tài chính dự thảo và lấy ý kiến các bên liên quan để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua, trong đó nội dung quan trọng nhất là việc áp mới thuế Tiêu thụ đặc biệt 10%. Cơ quan soạn thảo dự án luật thuế sửa đổi cho rằng việc nâng thuế gián thu đối với lĩnh vực nước giải khát có đường sẽ hạn chế người tiêu dùng sử dụng sản phẩm này, đồng thời công cụ thuế sẽ đạt được 3 mục đích: bảo vệ sức khoẻ người dân, phù hợp thông lệ quốc tế và bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế - xã hội của dự luật thuế (sửa đổi) liên quan đến nước giải khát có đường ở Việt Nam được triển khai nhằm phân tích và đánh giá hiệu quả của các chính sách nói trên đối với 3 mục tiêu đặt ra và những tác động dự kiến đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ảnh 2: TS. Lưu Minh Đức – Nghiên cứu viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Lưu Minh Đức – Nghiên cứu viên Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày những kết quả chính của báo cáo. Theo số liệu của nhiều nghiên cứu quốc tế, tỷ lệ thừa cân béo phì ở Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất so với thế giới và khu vực. Nói cách khác, vấn đề thừa cân béo phì là hiện hữu ở Việt Nam song mức độ và quy mô không nghiêm trọng và ở diện rộng như các nước khác. Bên cạnh đó, nước giải khát có đường chỉ là một trong những nhân tố cấu thành, bên cạnh những thay đổi do phát triển kinh tế - xã hội mang lại (VD: xu hướng đô thị hoá, thay đổi về tập quán và khẩu vị, lối sống ít vận động của người dân, v.v…).

Bằng các phương pháp định lượng sử dụng bảng I/O, nghiên cứu ước tính mức doanh thu thuế gián thu tăng thêm cho ngân sách nhà nước có thể đạt 1.975 tỷ VNĐ, nhưng lại làm ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại 3.928 tỷ VNĐ do sụt giảm doanh thu, và những tác động lan tỏa trong chuỗi sẽ khiến giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế giảm 0,14%, GDP giảm 0,12% và thu nhập từ sản xuất cả nền kinh tế giảm 0,14%, lao động giảm 0,11%, và doanh thu thuế ở kỳ sau giảm 0,07-0,09%.

Ảnh 3: Toàn cảnh Hội thảo 

Trên cơ sở đó, Báo cáo khuyến nghị cơ quan soạn thảo cần có cách tiếp cận toàn diện và tổng hợp về vấn đề thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, dựa trên cơ sở đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thay vì công cụ thuế, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp chính sách có tính thân thiện với thị trường hơn và đã được chứng minh hiệu quả ở các nước khác như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho học sinh về nếp sống và những lựa chọn lành mạnh cho sức khỏe; thuyết phục các công ty sản xuất tự cam kết và xây dựng kế hoạch giảm mức đường trong sản phẩm; công bố chuẩn dinh dưỡng; dán nhãn sản phẩm để thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng; v.v…/.

Tệp đính kèm:

- Chương trình Hội thảo

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                        ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi