Hội thảo tham vấn Đề cương “Đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” ( 08/06/2018)
Hoạt động

Hội thảo tham vấn Đề cương “Đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” ( 08/06/2018)

12/06/2018 - 4409 lượt xem

Theo Chương trình công tác năm 2018 của Chính phủ tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 08/04/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Thực hiện nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã xây dựng Đề cương cho nghiên cứu trên. Nhằm hoàn thiện Đề cương, chiều ngày 08/06/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo góp ý Đề cương “Đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo do ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế và một số cơ quan báo chí đến đưa tin.

Ảnh 1:  Ông Nguyễn Thế Phương – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết nhận thức tầm quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), Đảng và Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ ngành thực hiện nghiên cứu đánh giá CMCN 4.0. Hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến nhằm hoàn thiện Đề cương “Đánh giá tác động và xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” trước khi thực hiện nghiên cứu chi tiết, báo cáo Chính phủ. Đề cương nghiên cứu Chiến lược CMCN 4.0 gồm 2 phần chính: (1) Các cuộc CMCN: Bản chất, nội hàm và tác động đến Việt Nam và (2) Chiến lược CMCN 4.0: quan điểm, mục tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện. 

Ảnh 2: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cho biết CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều quốc gia đang tập trung phát triển và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0 để duy trì lợi thế cạnh tranh và đuổi kịp các nước tiên tiến. Do đó, CMCN 4.0 là cơ hội lớn để Việt Nam có thể thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Ảnh 3: TS. Đặng Quang Vinh – Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày nội dung chính của Đề cương

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Quang Vinh – Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã trình bày khái quát các cuộc CMCN 1, 2, 3 và làm rõ khái niệm, nội hàm của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, CMCN 4.0 là tổng hoà của một loạt các công nghệ mới hình thành trên nền tảng Kết nối, Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI). CMCN 4.0 không chỉ là công nghiệp hoá mà còn là hiện đại hoá mọi mặt đời sống con người.

Bên cạnh việc đánh giá thực trạng Việt Nam, các cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, Đề cương còn phân tích kinh nghiệm của một số nước phát triển như Mỹ, Đức, Singapore,v.v… và một số nước đang phát triển như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, v.v… TS. Đặng Quang Vinh cho biết qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước có thể thấy sự khác biệt trong chiến lược của hai nhóm nước. Các nước phát triển đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ hàng đầu và các nước đang phát triển chủ yếu tập trung nâng cấp công nghệ trong chế tạo. Tuy nhiên, điểm chung trong Chiến lược CMCN 4.0 của các nước là đều coi trọng việc xây dựng thể chế mới.

Ngoài ra, TS. Đặng Quang Vinh cũng trình bày về ba trụ cột chính của Chiến lược CMCN 4.0: (1) Chuyển đổi sang nhà nước số; (2) Ứng dụng CMCN 4.0 trong doanh nghiệp và (3) Nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Ảnh 4: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu đều đồng tình với ý kiến: “Điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện CMCN 4.0 ở Việt Nam là sự chuyển đổi của bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý”. Bên cạnh đó, Chiến lược CMCN 4.0 của Việt Nam cũng cần đặt trong bối cảnh quốc tế và bối cảnh các nước trong khu vực đã bắt đầu thực hiện chiến lược CMCN 4.0, nhóm nghiên cứu cần cân nhắc lại các thế mạnh của đất nước để tập trung phát triển. Đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI trong việc thực hiện chiến lược cũng quan trọng không kém thể chế của nhà nước.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung  cho rằng để có thể tận dụng tốt các cơ hội, vượt qua khó khăn và hiện thực hoá cuộc CMCN 4.0 ở Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục mở cửa và hội nhập quốc tế, hội nhập nền kinh tế số; đặc biệt là thực hiện đột phá thực chất trong cải cách thể chế; v.v… Bên cạnh đó, việc tuyên truyền phổ biến rộng rãi CMCN 4.0 là hết sức quan trọng và cần thiết.

Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Thế Phương cảm ơn phần trình bày của đai diện nhóm nghiên cứu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo. Thứ trưởng MPI yêu cầu nhóm nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện Đề cương nghiên cứu./.

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi