Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Tổng quan về đầu tư công sử dụng đất ở khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020” (08/06/2018)
Hội nghị hội thảo

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Tổng quan về đầu tư công sử dụng đất ở khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020” (08/06/2018)

11/06/2018 - 3992 lượt xem

Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp châu Âu (EFI), sáng ngày 08/06/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo cuối cùng công bố  kết quả nghiên cứu về: "Tổng quan về đầu tư công sử dụng đất ở khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020" Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM chủ trì và có sự tham dự của đại diện đến từ EFI, UNDP, UN-REDD, Văn phòng REDD+ Việt Nam,các Bộ ngành có liên quan, các chuyên gia và một số cơ quan báo chí đến đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm công bố kết quả nghiên cứu của Đề tài " Tổng quan về đầu tư công sử dụng đất ở khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2016-2020". Mục tiêu chính của Đề tài là (1) Xác định nguồn tài chính cơ bản và hình thức chi tiêu liên quan đến sử dụng đất và rừng; (2) Định lượng đóng góp chi tiêu đầu tư công để đạt mục tiêu REDD+ và xác định khoảng trống trong việc thực hiện NRAP; và (3) Hiểu vai trò của các khoản đầu tư theo nguồn từ Trung ương và từ cấp tỉnh đối với các nguyên nhân tiềm năng làm thay đổi sử dụng đất và mất rừng ở Tây Nguyên.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Adeline Dontenville – EFI cho biết việc lập sơ đồ tài chính sử dụng đất giúp xác định nguồn và nhân tố quan trọng cho REDD+, xác định các khoảng trống, rào cản tài chính và các khoản đầu tư không phù hợp với mục tiêu REDD+, từ đó xây dựng các giải pháp nhằm cải thiện đầu tư có hiệu quả và phù hợp với các mục tiêu của REDD+.

Ảnh 2: Bà Adeline Dontenville – Đại diện EFI phát biểu tại Hội thảo

Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Lưu Đức Khải – Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày tóm tắt những kết quả chính của nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp. Theo đó, vùng Tây Nguyên có thể tăng đầu tư công để bảo vệ rừng lên tới 3,2 nghìn tỉ VNĐ mỗi năm bằng cách tăng cường các biện pháp bảo vệ và điều chỉnh các khoản đầu tư sử dụng đất hiện có cho mục tiêu lâm nghiệp và khí hậu. Bên cạnh đó,quá trình đổi mới quy  hoạch ở cấp quốc gia cần đảm bảo lồng ghép tốt hơn các mục tiêu môi trường và bảo vệ rừng, bao gồm cả quy hoạch không gian. Đặc biệt cần tăng cường tính minh bạch và theo dõi định kì các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động sử dụng đất ở Tây Nguyên.

Ảnh 3: ThS. Lưu Đức Khải – Phó Trưởng ban Chính sách Dịch vụ công (CIEM) trình bày kết quả chính của nghiên cứu

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều đánh giá báo cáo công phu, chứa nhiều thông tin hữu ích và có số liệu cụ thể rõ ràng. Báo cáo đã chỉ ra bức tranh tổng thể về đầu tư công liên quan đến sử dụng đất có đóng góp cho thực hiện mục tiêu REDD+ và đã có phân tích, đánh giá theo nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương và nguồn vốn ODA ở các tỉnh Tây Nguyên.

Ảnh 4: Các đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu ý kiến

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày của đại diện nhóm nghiên cứu và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự. Phó Viện trưởng Tuệ Anh hi vọng những kết quả nghiên cứu của Đề tài sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách./.

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

 

Tham khảo tài liệu Hội thảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi