Hội thảo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam” (03/05/2018)
Tin tức

Hội thảo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam” (03/05/2018)

04/05/2018 - 4533 lượt xem

Với mục tiêu tìm hiểu sự cần thiết của việc tiếp cận, chia sẻ dữ liệu và cơ sở pháp lý về quản lý dữ liệu để hoàn thiện khung chính sách cho phát triển kinh tế số, chiều ngày 03/05/2018, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Hiệp hội Điện toán Đám mây Châu Á (ACCA) tổ chức Hội thảo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: Rà soát quy định pháp luật ở 5 nước châu Á và lựa chọn chính sách cho Việt Nam”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì và có sự tham gia của các đại diện đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan, các Hiệp hôi ngành và một số Viện nghiên cứu chính sách.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết trong bối cảnh công nghiệp 4.0, kinh tế số đã và đang nhanh chóng bao phủ các lĩnh vực của nền kinh tế và việc tiếp cận dữ liệu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Chính phủ nhiều nước đã và đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế số để đảm bảo sự tham gia kịp thời và tận dụng tối đa các cơ hội mà nền kinh tế số có thể đem lại. Những kế hoạch này thường gồm các nội dung: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo hệ sinh thái cho phát triển khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích phát triển toàn diện, các ngành công nghiệp tái tạo,v.v… Tuy nhiên, khung pháp lý phần lớn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của kinh tế số dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý.

Ảnh 2: Bà Lim May Ann (Giám đốc điều hành ACCA) trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Bà Lim May Ann (Giám đốc điều hành ACCA) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày nội dung chính của báo cáo “Dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới: rà soát các quy định pháp luật liên quan và cơ hội ngành nghề chính ở 5 nền kinh tế châu Á: Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Phillippines và Việt Nam”. Báo cáo tổng quan về hiện trạng khung pháp lý liên quan đến quản lý dữ liệu tại 5 nền kinh tế và tác động của các chính sách này đối với sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng.

Cụ thể, ở Việt Nam, nghiên cứu cũng cho thấy khung pháp lý về các luồng dữ liệu xuyên biên giới là “chưa mở” so với các nước được khảo sát trong khuôn khổ báo cáo này. Theo ACCA, các yêu cầu về mặt quản lý này có thể tạo ra những thách thức đối với các nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới, khiến họ phải cân nhắc việc tham gia vào thị trường Việt Nam. Hơn thế nữa, điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu sử dụng các công cụ và dịch vụ được cung cấp bởi các công ty cung cấp dịch vụ dữ liệu xuyên biên giới và các dịch vụ điện toán đám mây quốc tế vốn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp gia tăng sự phát triển của các doanh nghiệp số tại Việt Nam.

Qua đó, bà Lim May Ann cho rằng “Chính phủ Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận thận trọng để đảm bảo rằng việc xây dựng một môi trường an toàn mạng không vô tình hạn chế và kìm hãm tiềm năng phát triển của nền kinh tế số”.

Ảnh 3: Ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông phát biểu tại Hội thảo

Trong phiên thảo luận, ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông, cho rằng, trong 20 năm qua ở Việt Nam, dịch vụ viễn thông internet và mức độ phổ cập dịch vụ đã phát triển tương đương với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Giá cả dịch vụ internet của Việt Nam cũng được đánh giá phù hợp, thuận tiện cho người dân sử dụng. Hiện Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng người sử dụng internet cao trên thế giới (đứng thứ 15), với trên 50% dân số. Điều đó có tác động rất lớn đến kinh tế số tại Việt Nam.

Ảnh 4: Ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phát biểu tại Hội thảo

Ông Vũ Thế Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho rằng việc sử dụng viễn thông gặp rất ít cản trở, cơ sở hạ tầng của Việt Nam có thể nói là ở trên trung bình và đạt mức tiên tiến. Nên rào cản lớn nhất trong việc quản lý dòng dữ liệu xuyên biên giới trong nền kinh tế số là chính sách “mở cửa” chứ không phải do điều kiện cơ sở hạ tầng.

Ảnh 5: Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại phát biểu tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho biết để kinh tế số phát triển và đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro.

Đồng tình với quan điểm trên, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho rằng chính sách kinh tế số thuận lợi không chỉ tạo điều kiện cho kinh tế số phát triển mà còn tạo cơ hội để công nghệ Việt Nam, kinh tế Việt Nam bắt kịp được tiêu chí của khu vực và thế giới. Do đó việc áp đặt tư duy và cách thức quản lý theo kiểu truyền thống đối với nền kinh tế số là không phù hợp. Quản lý cần phải tạo điều kiện và thúc đẩy, tạo cơ hội phát triển.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày của bà Lim May Ann và ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu 

ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

Nguồn:  Trung tâm Thông tin – Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi