30/11/2017 - 5274 lượt xem
Trong khuôn khổ Dự án Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ qua Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), sáng 29-11-2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo 'Khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh'. Hội thảo do PGS. TS. Trần Kim Chung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chủ trì. Hội thảo nhằm đánh giá và đề xuất một số ý kiến, gợi ý cho mục tiêu tăng trưởng xanh trong ngành công nghiệp.
Ảnh: PGS. TS. Trần Kim Chung, phó viện trưởng Viện NCQLKTTW, chủ trì hội thảo
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày tham luận về một số lĩnh vực tăng trưởng xanh như: Một số vấn đề và khuyến nghị giải pháp; những nội dung cơ bản trong việc xây dựng, đo lường các chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong dự thảo hệ thống chỉ tiêu thống kê và phát triển bền vững; mô hình công ty dịch vụ năng lượng – giải pháp hợp tác đầu tư cho hiệu quả năng lượng tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; tiêu dùng năng lượng và hỗ trợ thực hiện giải pháp công nghệ trong doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam; giải pháp các-bon thấp trong lò hơi và hệ thống hơi trong công nghiệp.
Tại Hội thảo, các đại biểu còn thảo luận xoay quanh các vấn đề: Tại sao cần sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh? Một số quy định liên quan đến sử dụng hiệu quả năng lượng; kinh nghiệm một số quốc gia về khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh…
Ảnh: Các diễn giả trình bày tại Hội thảo
Theo kết quả nghiên cứu của CIEM công bố tại Hội thảo, 75% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo ở Hà Nội được điều tra cho rằng, mức tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp lớn hơn mức trung bình của thế giới. Phần lớn doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ. Năm 2015, chỉ 14% số doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo được điều tra có công nghệ dưới 3 năm, 53% có công nghệ từ 6 năm trở lên. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của sử dụng năng lượng hiệu quả; tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vẫn cao; cơ cấu chậm thay đổi, đặc biệt là theo hướng giảm mức năng lượng trên sản phẩm. Việc phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn tự phát và rất hạn chế; số lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng, báo cáo phát triển bền vững còn hạn chế. Ngoài ra, việc tăng trưởng xanh đang gặp rào cản do thị trường năng lượng, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chưa hình thành, vẫn còn yếu tố độc quyền; giá năng lượng, đặc biệt là giá điện chưa khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo; các hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, thiếu hiệu quả…
Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện khung pháp luật về năng lượng, đặc biệt khung pháp luật về chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững, chương trình Nghị sự 2030.
Ảnh: Đại biểu tham dự thảo luận tại Hội thảo
Ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý, và doanh nghiệp cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng chia sẻ tại Hội thảo cho thấy cần xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin về năng lượng; đồng thời, hình thành một cơ sở dữ liệu thống kê hoàn chỉnh với các thông tin cụ thể làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá và đưa ra các chính sách phù hợp, sử dụng hiệu quả các đòn bẩy kinh tế như: thuế, đất đai, tín dụng để khuyến khích phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đồng thời, phát triển các nguồn lực hỗ trợ phát triển bền vững của các doanh nghiệp: đổi mới công nghệ, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, phó viện trưởng Trần Kim Chung cho rằng, ngành công nghiệp sử dụng năng lượng lớn, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, cải thiện dịch vụ, tăng lợi nhuận, vì thế sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh là điều tất yếu và cần được khuyến khích, hỗ trợ. Có thể thấy, tăng trưởng xanh đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng nhưng tầm quan trọng vẫn chưa được đề cao xứng đáng so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khi phần lớn doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để tăng trưởng và phát triển bền vững, các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh bằng giá cả đơn thuần mà đã chuyển sang cạnh tranh mang tính bền vững; yêu cầu của các đối tác nước ngoài khi hội nhập, hợp tác đều có điều khoản liên quan đến bảo vệ môi trường nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đều không thể đứng ngoài cuộc với tăng trưởng xanh.
Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu
Ngày 1/4/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Trưởng Ban Chính sách, chiến lược ...
Chiều ngày 19/03/2025, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã có buổi làm việc với TS. Trương Minh ...
Sáng ngày 7/3/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược đã tổ chức gặp mặt để chúc mừng nữ viên chức, người lao động ...
Sáng ngày 03/03/2025, tại trụ sở Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã diễn ra Hội nghị triển khai Quyết định của ...
Sáng ngày 28/02/2025, Lãnh đạo Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Lãnh ...
Ngày 19 tháng 02 năm 2025 tại Thành phố Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ...
Sáng ngày 17/01/2025, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện nhân dịp đón ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ ...
Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ thông qua Tổ chức Hợp ...
Liên kết vùng là vấn đề hết sức quan trọng và đã được Đảng chỉ đạo tại Văn kiện qua các kỳ đại hội (VIII, X, XI, XII và XIII), với định hướng được xác định rõ ...