Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp diện tử ở Việt Nam", ngày 28/11/2017
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp diện tử ở Việt Nam", ngày 28/11/2017

29/11/2017 - 4701 lượt xem

Ngày 28 tháng 11 năm 2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp diện tử ở Việt Nam" với mục đích tạo diễn đàn để thảo luận về các khó khăn, bất cập trong liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử, phân tích nguyên nhân để qua đó đề xuất các kiến nghị tới các Bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử trong thời gian tới. Hội thảo do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW chủ trì.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW ,chủ trì hội thảo 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết Hội thảo là một trong những sự kiện góp phần triển khai thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (chiến lược CNH). Chiến lược CNH đã chỉ rõ 6 ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển vượt bậc bao gồm: Điện tử; Máy nông nghiệp; Chế biến nông, thủy sản; Đóng tàu; Môi trường và tiết kiệm năng lượng; Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. 6 ngành công nghiệp này sẽ được ưu tiên phát triển thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế; giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chiến lược CNH được xây dựng nhằm đóng góp vào thực hiện chính sách phát triển công nghiệp tổng thể của Việt Nam; góp phần đẩy nhanh quá trình CNH đến năm 2020 của Việt Nam; đóng góp trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu ngành, phục vụ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hội thảo tập trung đánh giá và đề xuất một số ý kiến, gợi ý cho mục tiêu tăng cường phát triển lĩnh vực công nghiệp điện tử trong tương lai.

Ảnh: Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia đến từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp điện tử, và đại diện doanh nghiệp điện tử đã trình bày tham luận về các vấn đề: Định hướng tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện tử trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong nền kinh tế quốc dân; Liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trong ngành công nghiệp điện tử; Sam Sung Việt Nam hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ và các doanh nghiệp Việt Nam; và Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử Việt Nam.

Một vấn đề nổi lên đó là ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư, tuy nhiên hoạt động tại Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty này vẫn chỉ ở khâu sản xuất lắp ráp. Đây là khâu thu được ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị. 95% kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử có nguồn gốc từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam, vai trò của doanh nghiệp trong nước rất mờ nhạt. Phần lớn doanh nghiệp nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng. 

Ảnh: Đại diện các công ty điện tử nước ngoài tại Việt Nam tham dự Hội thảo 

Các chuyên gia lý giải, Việt Nam còn thiếu chiến lược dài hạn phát triển ngành công nghiệp điện tử. Việc thực thi chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, thiết kế phát triển sản phẩm (R&D) của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ thực hiện gia công sản phẩm mà chưa thực hiện được các công đoạn “chế biến sâu” trong chuỗi giá trị ngành. Hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại sự thiếu hụt lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử. 

Để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp điện tử, ý kiến trình bày và thảo luận tại Hội thảo khuyến nghị cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các dự án cấp quốc gia nhằm xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành điện tử phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Mỗi doanh nghiệp cũng cần xác định phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp cũng như tính đến khả năng đón lõng xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới... 

Để đạt được thành công trong ngành công nghiệp điện tử, phải có sự kết hợp nhiều yếu tố, từ cấp vĩ mô đến doanh nghiệp, sự ủng hộ và chia sẻ hiệu quả của hiệp hội ngành nghề. Muốn xây dựng ngành điện tử đích thực đòi hỏi cả sự táo bạo, nguồn đầu tư vật chất lớn của đội ngũ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tổng hợp, nhất là chất xám để tạo ra sự đột phá, ứng dụng chất xám trong việc sáng tạo ra sản phẩm mới, với ý tưởng táo bạo, độc đáo nhằm tạo dựng uy tín của ngành điện tử Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh ghi nhận và cảm ơn những ý kiến của các chuyên gia cũng như phản hồi từ doanh nghiệp. Thông tin và khuyến nghị được tiếp nhận tại Hội thảo sẽ được Viện NCQKLKTTW tiếp tục nghiên cứu và tổng hợp trong các báo cáo trình Ban chỉ đạo Chiến lược CNH, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển mở rộng thị trường, thu hút doanh nghiệp hàng đầu thế giới, phát triển sản phẩm trọng điểm và hình thành các cụm công nghiệp điện tử.

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu.


Tin tức khác