Tập huấn “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, 19 – 21/10/2017
Tin tức

Tập huấn “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, 19 – 21/10/2017

25/10/2017 - 5814 lượt xem

Năm 2016, Việt Nam đã xây dựng và công bố kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự mới về cải cách cơ cấu của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) giai đoạn 2016-2020. Trong khuôn khổ Kế hoạch hành động nói trên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Khóa tập huấn về “Triển vọng và điều kiện sử dụng chứng cứ kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh”, từ ngày 19 – 21/10/2017 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thành phần tham dự khóa tập huấn bao gồm các cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác xây dựng và thực thi chính sách cạnh tranh, xử lý các vụ việc cạnh tranh ở Trung ương và địa phương.

Ảnh: Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng CIEM, phát biểu khai mạc chương trình.

Ảnh: Các đại biểu tham dự khóa tập huấn

Phát biểu khai mạc Tập huấn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và ông Nguyễn Anh Dương, Đại diện phái đoàn Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế APEC nhấn mạnh việc hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay là một trong những vấn đề trọng tâm của cải cách thể chế kinh tế ở Việt Nam. Trong đó, vấn đề nổi lên là việc sử dụng các chứng cứ phù hợp để xử lý các vụ việc cạnh tranh. Tìm kiếm và bổ sung các chứng cứ, theo quy định tại Luật Cạnh tranh, lại không dễ. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia cho thấy trong điều kiện các chứng cư pháp lý còn thiếu, chứng cứ kinh tế có thể có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam còn hạn chế cả về mặt nhận thức, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến sử dụng các chứng cứ kinh tế, phân tích kinh tế trong các vụ việc cạnh tranh. Do đó, khóa Tập huấn sẽ cung cấp những kiến thức cần thiết cũng như chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan nhằm khuyến khích việc sử dụng các chứng cứ kinh tế, kết quả phân tích kinh tế khi xử lý các vụ việc cạnh tranh tại Việt Nam.

Ảnh: Ông Nguyễn Anh Dương, đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Ủy ban Kinh tế APEC

Mở đầu cho nội dung tập huấn, TS. Đinh Thị Mỹ Loan, chuyên gia độc lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam trình bày về Chính sách cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam, nhấn mạnh đến việc cần hoàn thiện chính sách cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh và tạo điều kiện cho việc thực thi hiệu quả, trong đó bao gồm các biện pháp như nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh, hoàn thiện chính sách cạnh tranh đặc biệt là Luật Cạnh tranh, sử dụng bằng chứng kinh tế để hỗ trợ chính sách cạnh tranh và trong xử lý các vụ việc cạnh tranh v.v. đồng thời cập nhật những nội dung điều chỉnh mới trong Dự thảo Luật Cạnh tranh.

Đối với chủ đề pháp luật về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền nhằm hạn chế cạnh tranh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Đại học Tôn Đức Thắng đã nêu lên các khái niệm, căn cứ kinh tế để xác định vị trí thống lĩnh, độc quyền của doanh nghiệp và quy định của Luật Cạnh tranh đối với các hành vi, nguyên tắc xử lý. Diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm về thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh và tìm kiếm chứng cứ kinh tế qua một số ví dụ vụ việc cụ thể.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp đối với việc cạnh tranh tại Việt Nam, Diễn giả Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên những cảm nhận chung của doanh nghiệp Việt Nam về cạnh tranh công bằng; tầm quan trọng của việc xử lý các vụ việc cạnh tranh cũng như thông tin về các vụ việc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Ảnh: Một phiên làm việc tại chương trình Tập huấn

Tập huấn cũng đề cập tới việc xây dựng chính sách cạnh tranh trên cơ sở sử dụng phương pháp, công cụ nhằm thu thập, xây dựng bằng chứng kinh tế trong xây dựng chính sách, pháp luật ở Việt Nam cũng như với nội dung điều chỉnh mới trong dự thảo Luật Cạnh tranh, phục vụ cho quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh. Diễn giả TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành của Economica Việt Nam đề cập tới việc sử dụng phương pháp Đánh giá tác động pháp luật (RIA) nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng của hệ thống chính sách, pháp luật và của các văn bản pháp luật cũng như trong việc sử dụng bằng chứng trong xây dựng chính sách.

            Bên cạnh đó, kinh nghiệm của Úc và Nhật Bản về việc sử dụng bằng chứng  kinh tế trong xử lý các vụ việc cạnh tranh cụ thể cũng được các diễn giả ông Richard York, Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Úc (ACCC) và ông Yasunori Tabei, Cơ quan Cạnh tranh thương mại công bằng Nhật Bản (JFTC) chia sẻ tại buổi tập huấn.

          Trong khuôn khổ nội dung tập huấn, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra khá sôi nổi giữa các diễn giả và đại biểu đến từ nhiều cơ quan khác nhau.

          Kết thúc khóa Tập huấn, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá cao sự tham gia tích cực của các đại biểu cũng như các diễn giả trong nước và quốc tế trong suốt khóa tập huấn; hy vọng những nội dung tập huấn sẽ có ý nghĩa và tác động lan tỏa trong quá trình xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 0243.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi