Tọa đàm khoa học “Khung chính sách cạnh tranh quốc gia Việt Nam”
Hội thảo

Tọa đàm khoa học “Khung chính sách cạnh tranh quốc gia Việt Nam”

26/05/2017 - 3500 lượt xem

Trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ Tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực canh tranh Việt Nam” (Dự án RCV), ngày 25/05/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm khoa học “Khung chính sách cạnh tranh quốc gia Việt Nam”. Tọa đàm do TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, Giám đốc Dự án chủ trì.

Phát biểu khai mạc Toạ đàm, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết cạnh tranh là đặc trưng cơ bản và cũng là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường. Cạnh tranh góp phần điều chỉnh quan hệ cung – cầu và đảm bảo quyền tự chủ của người tiêu dùng. Mục tiêu của chính sách cạnh tranh là nhằm tăng phúc lợi cho người tiêu dùng, bảo vệ tự do cạnh tranh và tăng hiệu quả nền kinh tế. Theo TS. Cung, khung chính sách cạnh tranh quốc gia bao gồm 6 nội dung chính: (1) Hạn chế các hành vi phản cạnh tranh của doanh nghiệp; (2) Loại bỏ, sửa đổi các quy định có tính hạn chế cạnh tranh; (3) Đổi mới cấu trúc độc quyền nhà nước tạo điều kiện cho cạnh tranh; (4) Tạo điều kiện thuận lợi cho bên thứ ba quyền tiếp cận hạ tầng thiết yếu; (5) Kiểm soát hành vi định giá độc quyền và (6) Thực hiện “cạnh tranh trung lập”.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Toạ đàm 

Tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Thị Luyến – Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày nội dung sơ bộ của Báo cáo Khung chính sách cạnh tranh quốc gia Việt Nam. Về thực trạng chính sách cạnh tranh, theo TS. Luyến, đến nay, mặc dù Việt Nam đã loại bỏ và rà soát được nhiều chính sách/ quy định hạn chế cạnh tranh nhưng vẫn còn tồn tại khá nhiều quy định gây hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Cơ cấu độc quyền nhà nước cũng đã được điều chỉnh thu hẹp, tạo điều kiện và cơ hội cho sự tham gia của các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, việc tiếp cận một số hạ tầng thiết yếu đã được đảm bảo (quyền tiếp cận sân bay, mạng lưới viễn thông) mặc dù việc tiếp cận vẫn chưa thực sự công bằng. Phạm vi định giá độc quyền thu hẹp, phù hợp với đòi hỏi cơ chế thị trường. Tuy nhiên, hành vi định giá độc quyền vẫn diễn ra dưới sự kiểm soát chưa hiệu quả.

Ảnh 2: TS. Nguyễn Thị Luyến – Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) trình bày tại Toạ đàm

Thông qua việc phân tích thực trạng chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đưa ra một số đề xuất ban đầu về khung chính sách cạnh tranh quốc gia Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc xây dựng khung chính sách phải đảm bảo quyền tự do gia nhập, rút lui khỏi thị trường; đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; đảm bảo cạnh tranh bình đẳng; đảm bảo các cơ quan nhà nước không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ chế cạnh tranh và hiệu quả; v.v…

Ảnh 3: Toàn cảnh Toạ đàm 

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết Việt Nam vẫn còn tập trung vào nền kinh tế nhà nước, chưa thực sự quan tâm đến nền kinh tế cạnh tranh. Muốn thúc đẩy phát triển thị trường tạo nên hiệu quả nền kinh tế, nhà nước cần phải phát triển và hoàn thiện thị trường các nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường tài chính (thị trường vốn, thị trường tín dụng) và thị trường quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, cần thực hiện phân bố và sử dụng quyền lực nhà nước theo quy tắc và quy luật thị trường./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi