Sinh hoạt khoa học Quý II/2017 “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”
Tin tức

Sinh hoạt khoa học Quý II/2017 “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”

22/06/2017 - 1418 lượt xem

Nhằm tăng cường trao đổi, thảo luận và cập nhật thông tin phục vụ nghiên cứu chính sách, ngày 21/06/2017, Hội đồng khoa học (HĐKH) Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức buổi Sinh hoạt khoa học Quý II/2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”. Buổi sinh hoạt do TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới, nó có tác động mạnh mẽ và ngày càng gia tăng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội và dẫn đến sự thay đổi về phương thức và lực lượng sản xuất. Đây cũng là cơ hội để các cán bộ của Viện, các nhà nghiên cứu có cơ hội để trao đổi, thảo luận về những cơ hội và thách thức Việt Nam phải đối mặt trong cuộc cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH CIEM phát biểu khai mạc Buổi sinh hoạt khoa học 

Tại buổi sinh hoạt, TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng CIEM cho biết Đề án “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” được Chính phủ CHLB Đức trình bày tại Hội chợ Hannover năm 2011. Sau đó, các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, v.v… đã lên  kế hoạch, ban hành các chương trình hành động và đạt được nhiều tiến bộ. Tại Việt Nam, để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 05/05/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cân cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá xu hướng vận động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xây dựng các nhiệm vụ, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương.

Ảnh 2: TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng CIEM trình bày tại Buổi sinh hoạt khoa học 

Trong bài trình bày, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tuy nhiên hiện tại chưa có nghiên cứu phân tích phạm vi ảnh hưởng và tác động tới tổng thể kinh tế - xã hội. Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, TS. Doanh cho rằng Việt Nam cần cải cách thể chế và chính sách. Theo đó, cần đề cao vai trò của khoa học – công nghệ, thay đổi tư duy, khuyến khích sáng tạo và đặt biệt là giảm sự can thiệp của nhà nước.

Tại phiên thảo luận, cán bộ CIEM và các nhà nghiên cứu tham dự Buổi sinh hoạt khoa học đều cho rằng phần trình bày của TS. Doanh rất bổ ích, gợi mở nhiều thông tin, kiến thức mới về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ảnh 3: Toàn cảnh Buổi sinh hoạt khoa học

Kết thúc Buổi sinh hoạt khoa học, Phó Viện trưởng, Chủ tịch HĐKH CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh cảm ơn phần trình bày của TS. Lê Đăng Doanh và mong muốn qua Buổi sinh hoạt khoa học này, các cán bộ CIEM, các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn về  tiềm năng của Việt Nam đối với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu (CIEM)


Tin tức khác