Hội thảo tham vấn: “Tổ chức thực hiện thực chất tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo tham vấn: “Tổ chức thực hiện thực chất tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020”

16/06/2017 - 4939 lượt xem

Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, ngày 14/06/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (Dự án RCV) tổ chức Hội thảo tham vấn: “Tổ chức thực hiện thực chất tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2017 - 2020”. Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cho biết căn cứ vào Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế. Hội thảo được tổ chức nhằm tìm hiểu kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới về việc thành lập các tổ chức nhằm thực hiện tái cơ cấu kinh tế, từ đó đưa ra một số đề xuất thành lập Ban chỉ đạo quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo còn trao đổi thảo luận về một số vấn đề liên quan đến tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Đinh Trọng Thắng – Trưởng ban Chính sách Đầu tư (CIEM) cho biết cơ quan chuyên trách về tái cơ cấu kinh tế gồm 4 chức năng chính: giám sát và điều phối các chương trình cải cách, tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình cải cách, tìm kiếm sự ủng hộ và tham gia rộng khắp cho quá trình cải cách và kiểm soát các văn bản pháp luật chuẩn bị ban hành. Về cách thức tổ chức chính, 1 cơ quan chuyên trách thuộc chính phủ có thể thực hiện cả 4 chức năng trên, tuy nhiên, thường có ít nhất 2 cơ quan được thành lập và thực hiện độc lập 2 nhóm chức năng chính là giám sát, điều phối và tư vấn, nghiên cứu.

Ảnh 2: Ông Đinh Trọng Thắng – Trưởng ban Chính sách Đầu tư (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Thông qua việc phân tích kinh nghiệm quốc tế ở một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Ôxtrâylia và Trung Quốc, ông Thắng đưa ra một số đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, điều kiện để Ban chỉ đạo này hoạt động có hiệu quả cần: có vị thế độc lập nhất định với các Bộ; các bộ, ngành phải có trách nhiệm giải trình với Ban Chỉ đạo về các vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế; phải có ngân sách và nhân lực hoạt động chuyên trách; v.v…

Ảnh 3: Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Trưởng ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo (Viện Chiến lược chính sách Tài chính) trình bày tại Hội thảo

Về thực trạng tái cơ cấu DNNN tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Trưởng ban Kinh tế vĩ mô và Dự báo (Viện Chiến lược chính sách Tài chính) đã tổng quan quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn 2011-2016. Theo bà Bình, quá trình tái cơ cấu DNNN vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: tiến độ sắp xếp , cổ phần hoá chưa đáp ứng yêu cầu và kế hoạch đề ra; DNNN chưa tập trung tối đa vào các lĩnh vực cần thiết; chưa tách bạch chức năng quản lý nhà nước; v.v… Qua đó, đề xuất một số giải pháp ưu tiên: tập trung hoàn thành kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước và thực hiện niêm yết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN có quy mô lớn đã cổ phần hoá trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Ảnh 4: Ông Đặng Quang Vinh - Nghiên cứu viên Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) trình bày tại Hội thảo

Trong bài trình bày về tái cơ cấu đầu tư công và chính sách công nghiệp tại Việt Nam, ông Đặng Quang Vinh - Nghiên cứu viên Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết giá trị gia tăng công nghiệp / GDP từ năm 2001 đến 2014 tăng chậm (khoảng 3%), chế tạo của Việt Nam chiếm tỷ trọng công nghiệp thấp hơn các nước ASEAN. Về đầu tư công trong phát triển công nghiệp, nhiều dự án thua lỗ và không hiệu quả (12 dự án với tổng nợ phải trả là 55 nghìn tỷ đồng); các DNNN không có khả năng cạnh tranh quốc tế, không kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Qua đó, ông Vinh khuyến nghị một số giải pháp hỗ trợ chiều ngang (tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí thể chế; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh;v.v…) và chiều dọc (từ bỏ ngay những dự án không có khả năng cạnh tranh, chấm dứt việc hỗ trợ những ngành biết chắc không thể cạnh tranh; v.v…).

Ảnh 5: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cảm ơn phần trình bày nhiều thông tin và rất hữu ích của các diễn giả . Đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

Email: tttl@mpi.gov.vn                                  ĐT: 043.7338930

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM).

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi