Đánh giá vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay thông qua đo lường xung lực tài khóa
Hoạt động

Đánh giá vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay thông qua đo lường xung lực tài khóa

16/03/2012 - 6709 lượt xem

Tóm tắt đề tài

1. Tên đề tài: Đánh giá vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay thông qua đo lường xung lực tài khóa.

Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Cơ quan chủ trì:  Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Đơn vị thực hiện: Tạp chí Quản lý kinh tế

2. Chủ nhiệm đề tài:  Nguyễn Thị Nguyệt

Học vị:  Tiến sĩ                     

Chức vụ:  Phó Tổng biên tập – Tạp chí Quản lý Kinh tế

Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội.

Email: nguyetnt@mpi.gov.vn

3. Mục tiêu nghiên cứu

Mục tiêu tổng quát: Mục tiêu tổng quát của đề tài: Đánh giá vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam từ năm 1996 đến nay thông qua đo lường xung lực tài khóa và đề xuất một số định hướng giải pháp cho việc điều hành chính sách tài khóa nhằm ổn định chu kỳ kinh tế, tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam trong thời gian tới.

Mục tiêu cụ thể của đề tài:

(1) Phân tích cơ sở khoa học về chính sách tài khóa, xung lực tài khóa, chu kỳ kinh tế và ổn định chu kỳ kinh tế;

(2) Tìm hiểu về chu kỳ kinh tế ở Việt Nam và đánh giá vai trò của chính sách tài khóa trong ổn định chu kỳ kinh tế giai đoạn từ 1996 đến nay ở Việt Nam;

(3) Đề xuất một số định hướng giải pháp cho việc điều hành chính sách tài khóa nhằm ổn định chu kỳ kinh tế, tiến tới ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam trong thời gian từ nay đến năm 2020.

4. Nội dung đề tài:

Đề tài được kết cấu theo 3 chương với các nội dung như sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chính sách tài khóa

Chương 2: Xây dựng mô hình đo lường xung lực tài khóa cho Việt Nam

Chương 3: Kiến nghị một số định hướng giải pháp cho việc điều hành chính sách tài khóa nhằm ổn định chu kỳ kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới

Lý thuyết và thực tiễn cho thấy chính sách tài khóa có ảnh hưởng to lớn trong chống chu kỳ kinh tế thông qua công cụ tài khóa. Cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong các công cụ trọng yếu giữ vai trò quyết định trong việc quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Kết quả cho thấy chính sách tài khóa của Việt Nam trong việc ổn định chu kỳ kinh tế khá tương đồng với các nước đang phát triển khác là mang tính thuận chu kỳ, và tiềm ẩn nhiều bất ổn vĩ mô. Kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách tài khóa nên phù hợp với vị trí của chu kỳ kinh tế với sản lượng tiềm năng. Chính sách phản chu kỳ trong giai đoạn suy thoái thường có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Cũng lưu ý rằng, chính sách phản chu kỳ cũng có độ trễ, nghĩa là thường không có phản ứng tích cực tức thời. Do đó việc triển khai chính sách tài khóa cần được thực hiện khẩn trương nhằm phát huy tối đa tác dụng kích thích của chính sách tài khóa với các công cụ tài khóa được sử dụng linh hoạt theo mức độ ảnh hưởng. Nên sử dụng chính sách tài khóa mở rộng khi nền kinh tế đang ở dưới mức sản lượng tiềm năng. Tuy nhiên việc áp dụng chính sách tài khóa mở rộng liên tục trong thời gian dài dễ gây ra bất ổn, dẫn đến suy thoái. Do đó, nhà nước nên kích thích tăng trưởng một cách thận trọng, trong pha tăng trưởng trên mức tiềm năng thì nhà nước không nên mở rộng chính sách tài khoá. Nếu cùng với nới lỏng tiền tệ thì thường chỉ đạt được tăng trưởng trong ngắn hạn,  sau đó nền kinh tế sẽ “xuống sức và sinh bệnh”, đó là là lạm phát, suy giảm đầu tư, kinh doanh sản xuất, gây bất ổn kinh tế xã hội và từ đó sẽ giảm tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên thực tiễn và nghiên cứu cho thấy tính phức tạp trong vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế vĩ mô, do bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi môi trường kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế. Ngoài ra, vai trò này cũng bị ảnh hưởng bởi mạng lưới ảnh hưởng đan xen của các biến số kinh tế vĩ mô khác. Mục tiêu tăng trưởng thay đổi ảnh hưởng đến vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế. Vai trò ổn định chu kỳ kinh tế thông qua tác động đến sản lượng thực tế được được quyết định bởi nhiều yếu tố, phụ thuộc vào chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác.

Để tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với ổn định chu kỳ kinh tế, Việt Nam cần phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn hợp lý, đảm bảo kỷ luật tài khóa, an ninh, an toàn tài chính, có cơ chế điều hành chính sách tài khoá hiệu quả, cải thiện hệ thống thuế nhằm tăng nguồn thu ổn định, tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, quản trị chính sách tài khóa nhằm có những đối sách kịp thời và hiệu quả hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm tạo tác động cộng hưởng chứ không triệt tiêu nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng chung, cũng như cam kết lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và dân chúng nhằm góp phần tạo ổn định môi trường kinh tế, chính trị và xã hội.

5. Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu

6. Báo cáo của đề tài được lưu tại: Thư viện của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi