Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành - Gợi ý giải pháp cho Việt Nam.
Hoạt động

Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành - Gợi ý giải pháp cho Việt Nam.

17/12/2013 - 6279 lượt xem

Tóm tắt đề tài

1. Tên đề tài: Vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

- Cấp quản lý: cấp Bộ

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Tổng biên tập – Tạp chí Quản lý Kinh tế

3. Mục tiêu nghiên cứu

Đưa ra gợi ý giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ trong việc hình thành và phát triển cụm liên kết ngành trên cơ sở hệ thống hóa các vấn đề về lý luận và thực tiễn về vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành.

Mục tiêu cụ thể của đề tài:

- Nghiên cứu về lý luận và kinh nghiệm quốc tế về vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành.  

- Nghiên cứu, phân tích và đánh giá về thực trạng vai trò của các tổ chức khoa học và công nghệ đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành ở Việt Nam, gắn với các cụm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao ở Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đánh giá các yếu tố cũng như cơ chế phát huy vai trò này.

- Đề xuất một số kiến nghị chính sách nhằm tăng cường vai trò các tổ chức khoa học và công nghệ trong quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành ở Việt Nam .

4. Kết quả nghiên cứu:

Phát triển cụm liên kết ngành (CLKN) được coi như một trong những công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN) cũng như tổng thể nền kinh tế. Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển CLKN, là sự tham gia cơ hữu của các cơ quan chính phủ, công nghiệp phụ trợ, hiệp hội kinh doanh, và không thể thiếu đó là các tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN). Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến sử dụng CLKN như một công cụ chính sách. Song, thực tế cho thấy mối liên kết rời rạc, lỏng lẻo giữa các DN sản xuất với các cơ sở KHCN là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hoạt động yếu kém của các cụm, khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC), vốn là những khu vực có sự tích tu, tập trung kinh tế – tức những khu vực có tiềm năng hình thành CLKN. Ở Việt Nam, vai trò của các tổ chức KHCN đối với phát triển kinh tế xã hội nói chung, đối với phát triển ngành, đặc biệt với mô hình CLKN, và DN nói riêng còn hạn chế do nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do thể chế liên quan đến thị trường KHCN chưa đầy đủ và phù hợp, chưa bảo vệ tốt quyền sở hữu trí tuệ, chưa tạo động lực cho bộ phận hoạt động KHCN, cơ chế hợp tác giữa các tổ chức KHCN và DN chưa bảo vệ tốt quyền lợi các bên tham gia, sử dụng nguồn lực cho KHCN chưa hiệu quả cùng với việc chưa xây dựng được nhận thức đúng đắn về vai trò của các tổ chức KHCN cũng như niềm tin của DN đối với các tổ chức này. Trước đòi hỏi cấp bách của tiến trình hội nhập sâu rộng, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế tối ưu như CLKN, để phát huy được vai trò của bộ phận tổ chức KHCN nói riêng, cũng như vai trò của các nhân tố khác trong nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực của mỗi đối tác tham gia trong liên kết cũng như tham gia thị trường, cũng quyết tâm chính sách của các nhà hoạch định chính sách.

Đề tài có ý nghĩa về hỗ trợ tăng cường hợp tác, liên kết giữa các tổ chức KHCN với các DN, một mặt tăng trình độ công nghệ ở các DN, tăng cường năng lực cạnh tranh, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, các tổ chức khoa học công nghệ tăng cường các sản phẩm khoa học, dịch vụ khoa học có tính ứng dụng cao, có thêm kiến thức từ thực tiễn cũng như điều kiện nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN. Việc tăng cường vai trò của các tổ chức KHCN đối với quá trình hình thành và phát triển CLKN sẽ phát huy lợi thế quy mô, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo ra xu hướng đổi mới và sáng tạo không ngừng trong sản xuất kinh doanh.

Đề tài được kết cấu theo 3 chương với các nội dung như sau:

Chương 1. Lý luận chung về vai trò của các tổ chức KHCN đối với quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành

Chương 2. Thực trạng vai trò của các tổ chức KHCN trong quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành

Chương 3. Giải pháp tăng cường vai trò của các tổ chức KHCN trong quá trình hình thành và phát triển cụm liên kết ngành

5. Đề tài đã được hội đồng nghiệm thu năm 2014 đánh giá: Khá

6. Báo cáo của đề tài được lưu tại: Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi