Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020
Nghiên cứu

Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020

16/03/2012 - 10238 lượt xem

Tóm tắt đề tài

1. Tên đề tài: “Nghiên cứu điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam đến năm 2020”

- Cấp quản lý: cấp Nhà nước

- Cơ quan chủ quản: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- Cơ quan quản lý: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

2. Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

3. Mục tiêu nghiên cứu:

Làm rõ cơ sở khoa học, đề xuất kiến nghị điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năm 2020 của Việt nam phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020. Cụ thể Đề tài: (1) làm rõ cơ sở lý luận của việc điều chỉnh chính sách; (2) Đánh giá thực trạng và hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt nam từ năm 1988 đến 20134; (3) Đánh giá thực trạng chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt nam, phân tích đánh giá nội dung các chính sách thu hút, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; (4) Dự báo triển vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài; (5) Đề xuất các quan điểm, định hướng và giải pháp điều chỉnh nội dung chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài.

4. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

- Đối tượng: Chính sách và điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam

- Phạm vi:

- Về không gian: Nghiên cứu tại Việt Nam

- Về thời gian: Đánh giá chính sách và thực trạng đầu tư nước người, hiệu quả từ 1988-2013, tập trung nhiều vào 10 năm gần đây.

- Về nội dung: Đề tài sẽ đánh giá chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài với các bộ phận cấu thành lên chính sách bao gồm chính sách thu hút, sử dụng và tổ chức thực hiện chính sách.

5. Phương pháp nghiên cứu:

Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp

- Phương pháp truyền thống: bao gồm tổng quan tài liệu, tổng hợp thống kê, so sánh, lấy ý kiến chuyên gia, chuyên khảo thực tiến, nắm bắt tình hình; khảo sát trong và ngoài nước; điều tra bằng phiếu hỏi

- Phương pháp kinh tế lượng: sử dụng trong đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tới doanh nghiệp trong nước, tỷ lệ sống sót, đói nghèo, dự báo luồng đầu tư vào Việt Nam.

6. Kết quả nghiên cứu: Ngoài phần mở đầu và kết luận, Đề tài gồm 5 chương

Chương Một tập trung phân tích cơ sở lý luận cho điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các nước đang phát triển. Ở Chương này nhóm tác giả đã điểm lại các lý thuyết về đầu tư ra nước ngoài của các công ty đa quốc gia, bản chất, đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài, xây dựng khung chính sách đầu tư nước ngoài, làm rõ nội hàm của điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài, các nhân tố dẫn đến việc điều chỉnh chính sách như điều kiện toàn cầu, thay đổi trong chiến lược của công ty đa quốc gia, thay đổi trong điều kiện phát triển của nước tiệp nhận đầu tư và những bất cập trong chính sách thu hút, sử dụng đầu tư.

Chương Hai phân tích về kinh nghiệm quốc tế.trong điều chỉnh chính sách. Tập trung vào các kinh nghiệm từ Malaysia, Trung quốc và Hàn quốc. Nội dung chương này cho thấy, các quốc gia đều rất chủ động trong thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều chỉnh chính sách của các quốc gia gắn chặt vói các chiến lược tổng thể phát triển kinh tế xã hội, cũng như các ưu tiên trong mỗi một giai đoạn đoạn. Các nước cũng rất chú trọng hiệu quả của FDI, các ưu đãi tài chính không được coi là trọng tâm trong thu hút FDI và đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt, cụ thể.

Chương Ba đánh giá thực trạng chính sách đầu tư nước ngoài của Việt nam. Chương này chia  các chính sách thành các nhóm khác nhau như chính sách đảm bảo đầu tư, quy định về sở hữu và hình thức đầu tư, quy định về thủ tục gia nhập và rút khỏi thị trường, quy định về khuyến khích đầu tư…Đặc biệt chương này làm rõ những mặt được và chưa được trong hệ thống chính sách hiện hành đối với thu hút và sử dụng FDI.

Chương bốn đánh giá hiệu quả của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó chia làm các khía cạnh, hiệu quả trực tiếp, hiệu quả gián tiếp; hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, môi trường. Chương này cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài có đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư xã hội và xuất khẩu. Tuy nhiên khu vực này không đóng góp nhiều trong cơ cấu GDP. Các mô hình phân tích định lượng cho thấy doanh nghiệp trong nước ít nhận được tác động tràn tích cực từ đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngoài ra, doanh nghiệp trong nước lại nhận được tác động âm do cạnh tranh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có tác động tiêu cực tới sự sống sót của doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa theo không gian bị hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng hạn chế tác động tích cực đó là bản thân các doanh nghiệp trong nước có mối liên kết sản xuất yếu với doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các tác động tới môi trường và đói nghèo không rõ ràng.

Dựa trên kết quả phân tích của các chương trước, Chương Năm tập trung vào đề xuất các định hướng và giải pháp điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chương này cho rằng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Tăng cường các dự án thúc đẩy được doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút đầu tư nước ngoài phải phù hợp với lợi thế của từng vùng. Khung điều chỉnh chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài cần gắn với thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước. Chương này cũng nêu vấn đề điều chỉnh chính sách ưu tiên chất lượng, vẫn chú trọng số lượng. Quy định cụ thể những lịch vực khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chương Năm cũng đề xuất lộ trình và các điều kiện để thực hiện các đề xuất chính sách.

Những đóng góp khác của Đề tài bao gồm các bài báo xuất bản trong nước, cung cấp tài liệu cho giảng dạy và đào tạo.

7. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia thông quvào ngày 6/12/2014 với kết quả đạt loại khá.

8. Báo cáo của Đề tài được lưu tại: Thư viện của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Liên hệ:

Chủ nhiệm đề tài : TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh

Email: Tueanh@mpi.gov.vn

Ban Thư ký, quản lý:

TS. Trần Kim Hào, Email: Tkhao@mpi.gov.vn

ThS. Hoàng Văn Cương, Email: CuongHgV@mpi.gov.vn


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi