Bài phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng, tại buổi Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất
Tin tức

Bài phát biểu của TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng, tại buổi Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Viện và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

30/12/2013 - 2561 lượt xem

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

 

 

Hà Nội, ngày 30  tháng 12  năm 2013

 

 

35 NĂM ĐỒNG HÀNH CÙNG ĐẤT NƯỚC ĐI LÊN

(BÁO CÁO TÓM TẮT THÀNH TÍCH CỦA

VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG NHÂN 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP VÀ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG ĐỘC LẬP HẠNG NHẤT)

 

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Doan, Ủy viên  Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Kính thưa đồng chí Bùi Quang Vinh, Ủy Viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Trân, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng,  Viện trưởng đầu tiên, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương;

Kính thưa các đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí Cục trưởng, Viện trưởng, Hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo các ban, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp  ở trung ương và địa phương;

Kính thưa các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Viện, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Viện;

Kính thưa các quý vị đại biểu.

 

         Hôm nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập và vui mừng đón nhận phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng – Huân chương Độc lập hạng Nhất.

         Thay mặt toàn thể cán bộ, viên chức của Viện, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Viện, các vị khách quý cùng toàn thể các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện, các cơ quan thông tấn, báo, đài đã có mặt trong ngày vui hôm nay.

         Sự có mặt của quý vị đã thể hiện tình cảm, sự quan tâm và ủng hộ đặc biệt, đồng thời là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với tất cả chúng tôi.

         Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý.

Ngày 14 tháng 7 năm 1977, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 209 NQ-NS/TW về việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế của Trung ương Đảng và Chính phủ; Ngày 17/4/1978, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết nghị số 215-NQ/QHK6 phê chuẩn việc thành lập Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế, cơ quan ngang Bộ của Hội đồng Chính phủ; và trên cơ sở đó, ngày 18/5/1978 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 111 – CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế,  có nhiệm vụ giúp Trung ương Đảng và Chính phủ nghiên cứu về công tác quản lý kinh tế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV. Đồng chí  Nguyễn Văn Trân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa II, Bí thư Trung ương Đảng khóa III được cử làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Từ tháng 11/1993, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được sáp nhập vào Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tức Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày nay.

Từ đó đến nay đã tròn 35 năm. Trong thời gian đó, tuy có một số thay đổi về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, nhưng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vẫn luôn là một viện nghiên cứu định hướng chính sách cấp quốc gia, có chức  năng nghiên cứu và tham mưu về đổi mới quản lý kinh tế cho Đảng và Nhà nước. Viện vừa nghiên cứu khoa học ứng dụng, vừa trực tiếp hoặc tham gia soạn thảo nhiều nghị quyết của Đảng, luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản chính sách khác của Nhà nước. Các sản phẩm nghiên cứu của Viện vừa có cơ sở khoa học, vừa có  cơ sở thực tiễn và luôn là đóng góp thiết thực vào quá trình đổi mới mở cửa và hội nhập kinh tế của đất nước. Cụ thể là:

Về công tác nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách:

Mỗi năm, Viện được phân công chủ trì thực hiện hàng chục đề án nghiên cứu tham mưu, tư vấn chính sách đổi mới kinh tế; thông qua đó, Viện đã có những đóng góp trực tiếp vào quá trình đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, từng bước hội nhập quốc tế. Nhiều nghiên cứu, kiến nghị về đổi mới kinh tế đã được chấp nhận, trở thành nghị quyết, quyết định của Đảng và các văn bản pháp luật chính sách của nhà nước, trong đó có những đổi mới thực sự có tính mở đường và đột phá, phát huy hiệu quả về kinh tế và xã hội.

Ngay từ những năm mới thành lập, nhờ bám sát những chỉ đạo của Trung ương Đảng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chủ trì nghiên cứu và đề xuất  đổi mới một số chính sách khởi đầu cho quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở nước ta. Đó là Nghị quyết 20 (Hội nghị lần thứ 6, BCHTW khóa IV tháng 9 năm 1979) về chủ trương cho sản xuất “bung ra”, được coi là điểm khởi đầu đánh dấu một sự đột phá có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới quản lý kinh tế; đó là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (năm 1980) về phân phối lưu thông, được coi là điểm khởi đầu đánh dấu bước ngoặt trong đổi mới tư duy kinh tế của quá trình cải cách giá cả, tiền lương và tiền tệ; Quyết định số 25/CP và 26/CP về cải tiến cơ chế kế hoạch hóa tập trung khởi đầu cho việc chuyển đổi quản lý kinh tế bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý bằng các đòn bẩy khuyến khích theo cơ chế thị trường.

Về đổi mới sản xuất nông nghiệp, Viện đã trực tiếp tham gia soạn thảo và nhiều kết quả nghiên cứu, kiến nghị có liên quan của Viện đã được chấp nhận, trở thành các nội dung quan trọng của Nghị quyết số 10 - NQ/TW. Đó thực sự là thay đổi đột phá trong thể chế về tổ chức sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Về sản xuất công nghiệp, Viện đã nghiên cứu, soạn thảo và tham gia đề xuất nội dung Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 15/7/1988 của Bộ Chính trị về phát triển công nghiệp ngoài quốc doanh, Quyết định số 217-HĐBT ngày 14/11/1987 về đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh; Nghị định số 27/HĐBT ngày 9 tháng 3 năm 1988  ban hành Quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải.

Và từ đó đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã thực sự đi tiên phong trong công cuộc đổi mới đầy khó khăn, từng bước tạo lập khung khổ pháp lý hoàn thiện môi trường kinh doanh cho sự phát triển nền kinh tế thị trường nhiều thành phần ở nước ta. Đóng góp của Viện trên lĩnh vực này cũng rất đáng ghi nhận. Viện đã trực tiếp tham gia soạn thảo Luật về đầu tư nước ngoài đầu tiên ở nước ta (1987), tạo khung khổ pháp lý đầu tiên theo cơ chế thị trường cho thu hút đầu tư nước ngoài; trực tiếp soạn thảo Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990, tạo cơ sở pháp lý lần đầu tiên thừa nhận khu vực kinh tế tư nhân và quyền kinh doanh hợp pháp của tư nhân ở nước ta; Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và năm 2003; Luật HTX năm 1997, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2000 và 2005 là những đạo luật về doanh nghiệp theo kịp với trình độ và xu thế của thời đại, đã hiện thực hóa được quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, lần đầu tiên thiết lập được khung khổ pháp lý bình đẳng, áp dụng thống nhất cho các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế. Ngoài ra, còn có hàng chục nghị định và thông tư khác bổ sung cho các luật nói trên, góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý kinh doanh, thực sự khuyến khích phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.

Từ ngày thành lập đến nay, Viện luôn được phân công  tham gia vào việc chuẩn bị văn kiện các đại hội toàn quốc của Đảng; đóng góp tích cực vào nội dung Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 1991-2000, Chiến lược phát triển kinh tế -xã hội năm 2001 – 2010 và gần đây là Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn năm 2011 – 2020.  Ngoài ra, Viện còn được giao nhiệm vụ tổng kết, đánh giá một số chủ trương, chính sách của Đảng và xây dựng các đề án phục vụ các hội nghị Trung ương của các nhiệm kỳ. Trong số này có thể kể đến các đề án Chính sách phát triển kinh tế tư nhân, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 21 NQ/TW, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa X), tiếp tục sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012, Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI).

Về công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo

Trong suốt 35 năm qua, trung bình mỗi năm Viện triển khai thực hiện khoảng 10 đề tài nghiên cứu khoa học (gồm đề tài khoa học cấp Nhà nước và  cấp Bộ) và hàng chục chuyên đề nghiên cứu khác dưới hình thức hợp tác với các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước, các nhà tài trợ quốc tế. Các đề tài khoa học và  nghiên cứu chuyên đề đều tập trung phân tích, đánh giá luật pháp chính sách trong nước, phân tích, tổng kết,  đánh giá và phát hiện các vấn đề yếu kém đang cản trở quá trình cải cách và phát triển, phục vụ trực tiếp cho việc soạn thảo các đề án pháp luật và chính sách mà Viện được giao chủ trì soạn thảo. Nói cách khác, công tác nghiên cứu khoa học và công tác tham mưu hoạch định chính sách, luật pháp ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là “hai mặt của một vấn đề”, luôn gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm các kiến nghị chính sách có được chất lượng tốt nhất. Kết quả nghiên cứu của Viện cũng đã được xuất bản, công bố thành hàng trăm cuốn sách, trong đó có thể kể đến một số đầu sách nổi bật như Thể chế-Cải cách thể chế và Phát triển: lý luận và thực tiễn, Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt nam, Phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam, Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam năm 2010 v.v.

Viện đã hết sức chăm lo đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nghiên cứu; đã cử đi đào tạo 12 tiến sỹ và 25 thạc sĩ ở các trường đại học có uy tín ở Vương Quốc Anh, Hoa kỳ, Úc và nhiều nước công nghiệp phát triển khác; nhiều cán bộ đã có uy tín quốc tế, thường xuyên được mời tham gia các hội thảo, hội nghị  quốc tế về các vấn đề phát triển của khu vực.

Không chỉ tham gia trực tiếp vào công tác hoạch định chính sách và nghiên cứu khoa học, Viện còn trực tiếp tổ chức hàng trăm khóa đào tạo phổ biến những tri thức và nhận thức mới, cơ chế mới cho hơn 10.000 cán bộ chủ chốt trong bộ máy nhà nước từ cấp trung ương đến cấp huyện, doanh nghiệp nhà nước và một số trường đại học, viện nghiên cứu khoa học trong cả nước. Trong những năm 1980-1990 Viện đã trực tiếp tổ chức thực hiện Hiệp định hợp tác với các Viện của Liên Xô, tổ chức các khóa bồi dưỡng quản lý kinh tế cho các cán bộ quản lý kinh tế trung và cao cấp với hàng nghìn lượt cán bộ tham gia, trong đó có nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới của đất nước. Trong 5 năm gần đây, Viện đã trực tiếp đào tạo đội ngũ tiến sĩ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đã có 7 tiến sĩ đã được cấp bằng trong số 60 nghiên cứu sinh đã và đang học tập và nghiên cứu tại Viện.

Về hợp tác quốc tế:

Song hành cùng với sự lớn mạnh của Viện là những người bạn quốc tế  như Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức phát triển Quốc tế của Chính phủ Đan Mạch (DANIDA), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) v.v. đã giúp đỡ rất hiệu quả cho Viện trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu quản lý kinh tế  từ những ngày đầu của công cuộc đổi mới. Sự hỗ trợ chân thành và hết sức hiệu quả của các bạn đã tạo cho Viện NCQLKT TƯ những điều kiện cần thiết hoàn thành được tốt các nhiệm vụ được giao. Trong những năm gần đây, Viện đã tham gia tích cực vào mạng lưới nghiên cứu khu vực và quốc tế như Mạng lưới phát triển toàn cầu, Viện Nghiên cứu ASEAN và Đông Á (ERIA), Hội nghị phát triển thương mại Thái Bình Dương  (PAFTAD) v.v. và rất nhiều các tổ chức, cơ quan quốc tế khác.

Do có những thành tích xuất sắc đóng góp vào công cuộc cải cách và phát triển kinh tế của đất nước, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã được  Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như:

  • Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1998 (20 năm thành lập);
  • Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2003 (25 năm thành lập);
  • Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2008 (30 năm thành lập);
  • Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2013 (35 năm thành lập)
  •  Ngoài ra, Viện và các đơn vị trực thuộc Viện đã nhận được hàng chục bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và  nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trên phạm vi quốc tế, vai trò, vị trí và những đóng góp của Viện đối với cải cách và phát triển cũng được giới nghiên cứu ghi nhận và đánh giá cao. Xét về mức độ tác động đến soạn thảo và ban hành chính sách, năm 2010 Viện được xếp hạng thứ 39 trong số các viện nghiên cứu châu Á (Theo nghiên cứu đánh giá của trường Đại học Pennysylvania, Hoa Kỳ); năm 2012, Viện được đánh giá là một trong 80 viện nghiên cứu chính sách hàng đầu trên thế giới về phương diện tác động chính sách kinh tế quốc gia (theo The Global “Go-To-Think-Tanks” 2013).

Đạt được những thành tích nói trên trước hết nhờ:

- Được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước,  Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mà đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn quan tâm, chỉ đạo và trực tiếp sử dụng Viện như một tổ chức vừa nghiên cứu, vừa trực tiếp tham mưu chính sách;

- Sự phối hợp và hỗ trợ có hiệu quả của các Bộ, các địa phương, đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các viện nghiên cứu, các trường đại học và cơ quan có liên quan;

- Sự hỗ trợ kỹ thuật hết sức hiệu quả của các nhà tài trợ quốc tế, các đối tác nghiên cứu ở trong và ngoài nước;

- Say mê, linh hoạt,  sáng tạo, dũng cảm ủng hộ các tư tưởng và giải pháp mới, phát huy tinh thần trách nhiệm của tập thể và từng cán bộ  của Viện trong nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án luật pháp, chính sách trình các cơ quan có thẩm quyền;

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý.

Chúng tôi nhận thức rằng quá trình cải cách kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển lên giai đoạn mới với những vấn đề lý luận và thực tiễn phức tạp, khó khăn không kém so với hơn 30 năm trước đây; và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong vai trò, chức năng và nhiệm vụ hiện có của mình có cơ hội và trách nhiệm chủ động đóng góp vào việc triển khai hiệu quả quá trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế chuyển nhanh, mạnh  sang nền kinh tế thị trường đầy đủ. Với nhận thức nói trên, chúng tôi xin cam kết nỗ lực làm việc hết mình theo phương châm: đối với mỗi cá nhân “CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, DŨNG CẢM VÀ TRÁCH NHIỆM”; trong tập thể từng đơn vị và toàn cơ quan: “HỢP TÁC, SẺ CHIA VÀ TIN CẬY”, để “TRUNG THỰC, KHÁCH QUAN VÀ CẨN TRỌNG”  đề xuất các giải pháp cải cách lên các cơ quan có thẩm quyền. Với truyền thống và thành tích của 35 năm phát triển, với đội ngũ cán bộ có trình độ, có kinh nghiệm và bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng với sự tiếp tục  quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các đồng chí  Lãnh đạo, nhất là của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; tiếp tục là Viện quốc gia về nghiên cứu, tham mưu chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước; tiếp tục giữ vững, củng cố và gia tăng uy tín của mình trong giới nghiên cứu hoạch định chính sách trong nước và khu vực.

Nhân dịp năm mới 2014, tôi xin thay mặt cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức của Viện kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý  dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn.


Tin tức khác