Cải cách thể chế: Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế
Tin tức

Cải cách thể chế: Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế

07/03/2014 - 3093 lượt xem

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng những cải cách trong những năm đổi mới vừa qua đã tạo ra những động lực quan trọng để chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam từ nước có nền kinh tế lạc hậu, thấp kém sang một nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, nền kinh tế của Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều rào cản. Đại hội Đảng lần thứ XI đã đưa ra ba đột phá lớn đó là hoàn thiện thể chế, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Phát biểu tại Hội thảo, bà Victoria Kwakwa khẳng định WB luôn sát cánh cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề cải cách thể chế. WB đã hỗ trợ về kinh phí và cử các chuyên gia có kinh nghiệm trong vấn đề này để giúp Việt Nam.

Ảnh 1: Toàn cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng CIEM trình bày về các tiêu chí hay đặc điểm của một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đồng thời, nêu lên đặc điểm của nền kinh tế thị trường thành công và đưa ra định hướng XHCN của một nền kinh tế thị trường.

Ảnh 2: Ông Nguyễn Đình Cung - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi hội thảo

Ảnh 3: Ông David Dollar, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới

Ông David Dollar cũng đưa ra bốn lĩnh vực tái phân bổ các nhân tố sản xuất nhằm hỗ trợ tăng trưởng của Việt Nam trong đó tập trung tái phân bổ từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ, từ khối phi chính thức quy mô nhỏ sang khối tư nhân hiện đại, từ các dự án hạ tầng với tỉ lệ lợi nhuận thấp sang các dự án đầu tư công kết hợp với tỉ lệ lợi nhuận cao và từ các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả sang các doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hơn và sang khối kinh tế tư nhân.

Đưa ra những vấn đề cải cách thể chế nhằm tăng tốc độ tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, ông David Dollar, Chuyên gia cao cấp WB cho biết, trong cùng một giai đoạn phát triển, Việt Nam tăng trưởng kinh tế ở mức 5-6% nhưng Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc tăng trưởng ở mức hơn 9%,  tỉ suất đầu tư khiêm tốn 25%. Việt Nam bắt đầu được hưởng lợi từ việc các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều lao động rút khỏi thị trường Trung Quốc và việc phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ và nền kinh tế toàn cầu tạo môi trường bên ngoài thuận lợi.

Theo ông, sáu lĩnh vực cải cách thể chế là hệ thống đăng ký hộ khẩu, thị trường đất, hệ thống tài chính, quan hệ ngân sách giữa địa phương và Trung ương (các chương trình đầu tư công), việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN, và các thủ tục rườm rà, vấn đề tham nhũng và tính minh bạch.

Đồng thời, các chuyên gia kinh tế đã đóng góp ý kiến cho đề án nghiên cứu cải cách thể chế kinh tế Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, Đề án sẽ tập trung vào 5 chuyên đề: Đổi mới tư duy và quan điểm phát triển; Cải cách toàn diện thể chế kinh tế chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với điều kiện Việt Nam; Vấn đề phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý và điều hành kinh tế của tỉnh, thành phố và vùng, lãnh thổ; Đổi mới thể chế thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả; Cải cách thể chế trong tổ chức và cung ứng dịch vụ công./.

Nguồn: MPI - CIEM


Tin tức khác