Tọa đàm “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương”
Tin tức

Tọa đàm “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương”

06/05/2014 - 2040 lượt xem

Tham dự tọa đàm về phía IMF có các chuyên gia của IMF và hai diễn giả là Ông Romain Duval, Trưởng phòng  Nghiên cứu khu vực và Ông Kevin Cheng, chuyên gia kinh tế cao cấp, Phòng Nghiên cứu khu vực, Vụ Châu Á Thái Bình Dương IMF; Về phía Việt Nam có các đại biểu đến từ các cơ quan, viện nghiên cứu.  Thay mặt Lãnh đạo CIEM, Phó Viện trưởng CIEM, TS. Võ Trí Thành đã phát biểu chào mừng và chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Ông Romain Duval thay mặt nhóm nghiên cứu của IMF trình bày chủ đề “Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương: Triển vọng, Rủi ro và Những Thách thức chính sách đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nội dung của bài trình bày tập trung phân tích triển vọng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, những rủi ro, tính dễ bị tổn thương và những thách thức chính sách trong ngắn hạn và dài hạn. Theo đánh giá của IMF, nhìn chung khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang ở vị thế tốt để có thể đối phó với những thách thức phía trước. Khu vực này đã tăng cường khả năng đối phó với những rủi ro toàn cầu. Tuy nhiên, Ông Romain Duval cũng nhấn mạnh trong thời gian tới để có thể đối phó với những rủi ro trong tương lai như tiềm năng suy giảm và những thách thức lớn diễn ra từ Trung Quốc và Nhật Bản, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cần tiếp tục giải quyết những trở ngại về cơ cấu nhằm giữ ổn định và tăng trưởng.

Trong phần thứ hai của tọa đàm, Ông Kevin Cheng trình bày về tác động của hội nhập tài chính và thương mại đối với tăng trưởng  đối với khu vực châu Á. Theo đánh giá của IMF, thương mại và các kênh tài chính là những nhân tố thúc đẩy sự dịch chuyển đồng thời về sản lượng ở châu Á. Những cú sốc tăng trưởng từ Trung Quốc ảnh hưởng tới khu vực châu Á cao hơn nhiều lần so với các khu vực khác.  Mặc dù hội nhập tài chính ở châu Á chậm hơn so với hội nhập thương mại, tuy nhiên vẫn có khả năng  làm trầm trọng thêm các chu kỳ kinh tế nếu xảy ra diễn biễn toàn cầu tiêu cực. Với việc hội nhập thương mại và tài chính đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, các nhà hoạch định chính sách cần phải tìm ra cách thức để tối đa hóa những lợi ích tăng trưởng, đồng thời phải chuẩn bị đối phó với những tổn thương gây ra bởi tác động lan tỏa từ hội nhập thương mại và tài chính.

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều nhất trí rằng những diễn biến tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn sẽ có nhiều tác động tới nền kinh tế Việt Nam. Với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đảm bảo hiệu quả hội nhập thương mại, đầu tư và tài chính. Các chuyên gia đã gợi mở các vấn đề cần lưu ý đối với Việt Nam và  đưa ra khuyến nghị về những biện pháp giải quyết những thách thức trong thời gian tới. 

Các chuyên gia của IMF cũng dành thời gian để trao đổi và trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu tham dự về tình hình kinh tế thế giới và khu vực cũng như khả năng tác động của nó tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đồng thời nêu ý kiến khuyến nghị của mình đối với việc xây dựng và thực thi chính sách vĩ mô của Việt Nam để phát huy tốt những thành tích đã đạt được, tiếp tục duy trì sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội./.

Nguồn: CIEM

Tệp đính kèm:

REO_Spring2014_ChapterApril2014.pdf


Tin tức khác