Thông báo tuyển dụng Chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2014 phục vụ thảo luận/đối thoại chính sách
Tin tức

Thông báo tuyển dụng Chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện Báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2014 phục vụ thảo luận/đối thoại chính sách

10/10/2014 - 1093 lượt xem

Phụ lục A: ĐIỀU KHOẢN THAM CHIẾU

Chuyên gia tư vấn trong nước thực hiện Báo cáo về tình hình kinh tế

vĩ mô quý IV/2014 phục vụ thảo luận/đối thoại chính sách

 

  1. Tổng quan về Dự án

Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (gọi tắt là Dự án RCV) được xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2014-2016 nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số nội dung trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Dự án hướng tới hỗ trợ thực hiện các mục tiêu sau:

- Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

- Thúc đẩy năng suất lao động, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập;

- Nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và giảm tham nhũng.

Dự án sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu này thông qua ba dự án thành phần và quỹ linh hoạt để đáp ứng với các vấn đề ưu tiên cấp bách khác liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Ba dự án thành phần bao gồm:

(i) Nâng cao tính minh bạch và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện);

(ii) Hoàn thiện việc thực thi chính sách cạnh tranh và phòng vệ thương mại (do Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương chủ trì thực hiện);

           (iii) Tái cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao giá trị gia tăng (do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì  thực hiện);

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là cơ quan điều phối việc triển khai toàn bộ Dự án.Viện trưởng CIEM là Giám đốc Dự án.

  1. Tổng quan về hoạt động

Trong những năm vừa qua, cùng với quá trình hội nhập ngày một sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã tăng cường tiếp cận thị trường cho xuất khẩu, huy động nguồn lực (vốn, kỹ năng quản trị, liên kết doanh nghiệp) từ bên ngoài cho hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Song song với quá trình này, những biến động kinh tế khu vực và thế giới cũng được truyền tải nhanh và phức tạp hơn đến nền kinh tế Việt Nam. Những biến động này cũng làm bộc lộ rõ nét hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam như mô hình tăng trưởng chủ yếu thiên về chiều rộng, dựa vào mở rộng đầu tư và tín dụng, hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn thấp, thiếu liên kết giữa các ngành hướng xuất khẩu và các ngành sản xuất thay thế nhập khẩu, v.v. Trong khi đó, dư địa cho các can thiệp chính sách mang tính hành chính đã bị thu hẹp đáng kể, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp với cải cách nền tảng thị trường. Tương tác của các nhân tố này đã ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến kinh tế vĩ mô ở Việt Nam thời gian qua, thậm chí dẫn đến những điều chỉnh đáng kể về hướng chính sách.

Trong bối cảnh ấy, mặc dù vai trò của ổn định kinh tế vĩ mô đã được nhìn nhận nghiêm túc hơn, công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được cải thiện đáng kể và mang lại những kết quả nhất định, song công tác duy trì và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Chiều hướng và liều lượng chính sách cần được cân nhắc cụ thể, thấu đáo, song cũng có những tác động trễ cần tính đến. Kinh tế khu vực và thế giới vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng và phục hồi như trước thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới. Chính vì vậy, việc thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô trong mối tương quan với diễn biến kinh tế khu vực và thế giới, tác động của các chính sách kinh tế vĩ mô và kỳ vọng của các thành viên thị trường là một nhiệm vụ rất cấp thiết nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác điều hành kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong từng thời kỳ.

Trong khuôn khổ Dự án RCV, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì thực hiện báo cáo hàng quý (bắt đầu từ quý III/2014) nhằm đưa ra những đánh giá độc lập, toàn diện về diễn biến kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Các báo cáo này sẽ là những tài liệu tham khảo hữu ích cho công tác hoạch định, đối thoại chính sách của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, hướng đến những biện pháp điều hành nhằm tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. Mục Tiêu

Mục tiêu của hoạt động nhằm:

  • Tổng hợp các đánh giá cập nhật nhất về tình hình, triển vọng kinh tế khu vực và thế giới có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam;
  • Đưa ra đánh giá độc lập, khoa học về diễn biến kinh tế vĩ mô theo quý và triển vọng kinh tế vĩ mô trong quý và/hoặc năm tiếp theo;
  • Hỗ trợ tăng cường năng lực và hiệu quả phân tích và tham vấn về chính sách kinh tế vĩ mô trong ngắn và trung hạn, qua đó phục vụ công tác điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan.
  1. Phương pháp thực hiện

Chuyên gia tư vấn trong nước sẽ thực hiện các công việc sau:

  1. 01 báo cáo đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô quý  (Chuyên gia 1)
  • Xây dựng Đề cương Báo cáo đánh giá độc lập tình hình Kinh tế vĩ mô trong quý IV/2014.
  • Báo cáo đánh giá tình hình Kinh tế vĩ mô Quý IV/2014. Báo cáo có độ dài khoảng 45-50 trang A4 (kể cả bảng biểu và phụ lục). Nội dung báo cáo tập trung vào những vấn đề sau:
    • Tình hình kinh tế khu vực và thế giới (tính đến hết quý IV/2014) có ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam trong quý IV/2014 (đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư).
    • Các điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô (chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại và đầu tư) trong quý và các nội dung, vấn đề chính liên quan (Có theo dõi các văn bản pháp quy của các cơ quan liên quan ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành các công cụ chính sách vĩ mô, có phân tích tập trung vào một số văn bản đáng lưu tâm nhất)
    • Phân tích diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý, tập trung vào các khía cạnh: tăng trưởng kinh tế; xuất nhập khẩu; đầu tư; giá cả; diễn biến thị trường tiền tệ; tỷ giá; ngân sách nhà nước; việc làm; (mỗi lĩnh vực cần có những phân tích định lượng liên quan dựa trên mô hình phù hợp, gắn với cảnh báo sớm về các áp lực, vấn đề có thể có trong năm 2015).
      • Phân tích định lượng về áp lực trên thị trường ngoại hối;
      • Cảnh báo diễn biến theo chu kỳ tăng trưởng của GDP hàng quý (nếu có);
      • Phân tích, cảnh báo với lĩnh vực khác (có tham vấn với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương).
    • Tham vấn với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để lựa chọn và thực hiện phân tích sâu về một (số) vấn đề kinh tế vĩ mô đáng lưu tâm trong quý IV/2014.
    • Cân nhắc một số kịch bản kinh tế trong năm 2015.
      • Triển vọng đạt được các mục tiêu kinh tế phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
      • Sử dụng mô hình định lượng để dự báo theo các kịch bản;
    • Kiến nghị về định hướng và biện pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2015.
  • Trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá độc lập tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2014.
  • Tham vấn với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các cơ quan, chuyên gia liên quan để điều chỉnh, làm rõ các phân tích trong Báo cáo (nếu cần thiết).
  • Đưa ra các yêu cầu về tài liệu/dữ liệu để Chuyên gia 2 hỗ trợ thực hiện.
    1. Thu thập tài liệu/dữ liệu phục vụ thực hiện báo cáo hàng quý đánh giá độc lập tình hình kinh tế vĩ mô (Chuyên gia 2)
  • Thu thập các dữ liệu chính thức, cập nhật nhất về các chỉ tiêu kinh tế sau:
    • Tăng trưởng GDP của cả nền kinh tế và theo các khu vực (nông-lâm-ngư nghiệp; công nghiệp-xây dựng; dịch vụ), theo thành phần kinh tế (khu vực kinh tế nhà nước; tư nhân trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) (hàng quý từ quý I/2011);
    • Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá các nhóm hàng: lương thực – thực phẩm; hàng phi lương thực – thực phẩm; nhà ở và vật liệu xây dựng (hàng tháng từ tháng 1/2011);
    • Tốc độ tăng chỉ số giá xuất khẩu và chỉ số giá nhập khẩu (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại (VCB), và tỷ giá trên thị trường tự do (hàng ngày từ 01/01/2011);
    • Diễn biến cán cân thanh toán và các cán cân thành phần (cán cân vãng lai, cán cân vốn); (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến tăng trưởng tín dụng (bao gồm cả tín dụng VND và tín dụng ngoại tệ), tổng phương tiện thanh toán (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến lãi suất (bao gồm cả lãi suất huy động; lãi suất chiết khấu; lãi suất tái cấp vốn; lãi suất huy động, cho vay tham chiếu ở một số ngân hàng) (hàng tháng từ tháng 1/2012);
    • Tình hình thu, chi và thâm hụt ngân sách nhà nước và các khoản mục thành phần (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu nói chung và xuất nhập khẩu vào một số thị trường chính (Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến đầu tư (tổng đầu tư xã hội; đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; đầu tư trực tiếp nước ngoài); (hàng quý từ quý I/2011);
    • Diễn biến sản xuất công nghiệp (chỉ số chung; chỉ số tồn kho hàng công nghiệp chế biến; chỉ số tiêu thụ hàng công nghiệp chế biến; PMI) (hàng tháng từ tháng 1/2012);
    • Diễn biến việc làm (cơ cấu lao động phân theo giới tính, nhóm tuổi, thành thị/nông thôn, ngành kinh tế, nghề nghiệp và vị thế việc làm; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, năng suất lao động xã hội, tỷ lệ thất nghiệp theo vùng, tỷ lệ thiếu việc làm) (hàng quý từ quý I/2014);
    • Thu thập hoặc tính toán một số chỉ số khác theo yêu cầu của Chuyên gia 1;
  • Thu thập các thông tin sẵn có về tình hình kinh tế khu vực và thế giới (tính từ quý I/2014 đến hết quý IV/2014) có ảnh hưởng đến kinh tế của Việt Nam trong quý IV/2014 (đặc biệt là tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư và các triển vọng theo dự báo của một số tổ chức như IMF, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, v.v.).
  • Tổng hợp các văn bản pháp quy của các cơ quan được ban hành trong quý IV/2014 có ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành các công cụ chính sách vĩ mô.
  • Tham gia Hội thảo công bố báo cáo đánh giá độc lập tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2014.
  • Thực hiện một số công việc phân tích số liệu khác theo yêu cầu của Chuyên gia 1.
  1. Sản phẩm bàn giao và thời gian
    1. Chuyên gia 1
  • Dự thảo báo cáo: Chuyên gia tư vấn sẽ nộp dự thảo báo cáo trước ngày 30/12/2014 để kịp in ấn, dịch và phát hành vào cuối tháng 1/2015.
  • Hội thảo: Chuyên gia tư vấn sẽ trình bày kết quả nghiên cứu tại Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá độc lập tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2014 do Ban quản lý dự án tổ chức (thời gian sẽ được thống nhất sau).
  • Báo cáo cuối cùng:  Hoàn thiện dự thảo báo cáo dựa trên tiếp thu ý kiến của Giám đốc dự án và các bên có liên quan. (Trong vòng 2 tuần sau hội thảo)
  • Tất cả các báo cáo phải được nộp Ban quản lý dự án thành phần và Văn phòng Điều phối qua thư điện tử (Theo định dạng PDF và word).
    1. Chuyên gia 2
  • Tài liệu/dữ liệu: Chuyên gia tư vấn sẽ cung cấp các tài liệu/dữ liệu và các công việc phân tích số liệu theo yêu cầu của Chuyên gia 1 trong quá trình thực hiện báo cáo hàng quý đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô (dự kiến từ tháng 11/2014 đến hết tháng 1/2015); cập nhật các tài liệu/dữ liệu đã thu thập (nếu cần thiết).
  • Tất cả các tài liệu/dữ liệu/kết quả phân tích số liệu phải được nộp Ban quản lý dự án thành phần và Văn phòng Điều phối qua thư điện tử (Theo định dạng PDF, word hoặc excel (nếu phù hợp)).
  1. Đầu vào

Các đầu vào chuyên gia cần thiết gồm:

  • Chuyên gia 1: Thời gian 25 ngày làm việc.
  • Chuyên gia 2: Thời gian 10 ngày làm việc
  1. Chỉ dẫn
  • Chuyên gia tư vấn sẽ chịu trách nhiệm với Giám đốc Dự án thành phần. Ban quản lý Dự án sẽ hỗ trợ chuyên gia tư vấn.
  • Hoạt động được thực hiện tại Hà Nội.
  • Trong trường hợp chuyên gia cần phải tham gia các hoạt động thuộc khuôn khổ của Dự án tại các địa điểm khác ngoài Hà Nội, chi phí đi lại, ăn ở sẽ được tính riêng, không bao gồm trong thù lao trả cho chuyên gia.
  • Việc sử dụng các tài liệu, kết quả nghiên cứu cho các mục đích khác không thuộc phạm vi hoạt động cần được sự chấp thuận bằng văn bản của Dự án.
  1. Yêu cầu đối với chuyên gia

      Chuyên gia 1

  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, kinh tế, kinh tế phát triển hoặc những ngành khác có liên quan (có bằng Thạc sỹ hoặc Tiến sỹ là lợi thế);
  • Có ít nhất 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu, phân tích trong các lĩnh vực liên quan đến tài khoản quốc gia, ngân sách nhà nước, giá cả, tiền tệ - tín dụng, xuất nhập khẩu, tỷ giá, việc làm;
  • Có kinh nghiệm trong phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế vĩ mô phục vụ công tác hoạch định và điều hành chính sách;
  • Có kỹ năng phân tích định lượng sử dụng các mô hình phù hợp;
  • Có khả năng sử dụng và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt và Anh;
  • Có tinh thần làm việc trung thực, nghiêm túc, chuyên nghiệp.

      Chuyên gia 2

  • Tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, kinh tế, kinh tế phát triển hoặc những ngành khác có liên quan;
  • Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm thu thập và phân tích số liệu về các lĩnh vực tài khoản quốc gia, ngân sách nhà nước, giá cả, tiền tệ - tín dụng, xuất nhập khẩu, tỷ giá, việc làm;
  • Có khả năng sử dụng và giao tiếp tốt bằng tiếng Việt và Anh;
  • Có kỹ năng tin học văn phòng, truy cập và trích xuất dữ liệu trên Internet;
  • Có tinh thần làm việc trung thực, nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Hạn nộp hồ sơ muộn nhất là 5pm ngày 25/10/2014

Các thông tin chi tiết xin liên hệ với chị Trần Bình Minh

Điện thoại 08044135, di động 0913 090 272

Email: tbminh@mpi.gov.vn


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi