Hội thảo Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng
Tin tức

Hội thảo Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng

07/11/2014 - 2626 lượt xem

Tham dự buổi Hội thảo có các đại biểu đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các ban ngành, các hiệp hội, cơ quan nghiên cứu, trường đại học và cơ quan báo chí và truyền thông.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh: TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng CIEM, phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu Khai mạc, TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công là một trong ba nội dung quan trọng trong quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Thời gian qua, việc tái cấu trúc đầu tư công đã giúp hoạt động đầu tư từng bước đi vào khuôn khổ, có nề nếp. Hiệu quả đầu tư dần được cải thiện, được thể hiện qua Hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) toàn nền kinh tế giảm từ mức 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 – 2013. Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư công cũng đã được hình thành và hoàn thiện, đặc biệt Luật Đầu tư công đã được Quốc hội ban hành ngày 24/6/2014. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc đầu tư công vẫn còn chậm, tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả, đầu tư dàn trải vẫn tồn tại.

Tham luận tại Hội thảo, GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái cho rằng, mặc dù tái cơ cấu đầu tư công bước sang năm thứ 4, nhưng vẫn chưa có một kế hoạch tổng thể nào được đưa ra. Đồng thời, thiếu kế hoạch phát triển các công trình quan trọng trong 5-10 năm tới để bố trí vốn. Thay vào đó, việc đề xuất các công trình trọng điểm theo kiểu nhát gừng, khi phát sinh công trình lớn mới báo cáo Quốc hội. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu khuôn khổ thể chế gắn kết với nhau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ảnh:  GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái  - Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Theo phân tích của TS.Lê Hải Mơ, tỷ trọng dư nợ công/GDP trong thời gian qua liên tục tăng. Tổng số nợ công năm 2011 bằng 50% GDP, các năm 2012, 2013 lần lượt là 50,8% GDP, 54,2% GDP. Dự kiến năm 2014 là 60,3% GDP. Với mức thâm hụt 5,3% năm 2014, 5% năm 2015 thì dự báo tổng số nợ công/GDP năm 2015 là 64,5% GDP. Nếu tính cả 85.000 tỷ trái phiếu thì mức thâm hụt lên tới 7%. Đáng chú ý, tuy đầu tư trực tiếp từ NSNN có xu hướng giảm song đầu tư công đã có xu hướng mở rộng quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ mà bản chất của trái phiếu Chính phủ chính là bội chi NSNN và nằm trong tổng nợ công. Một trong những nguyên nhân khiên đầu tư công tăng nhanh là do đầu tư công trong thời gian qua xuất phát từ đề xuất của các bộ, Trung ương, địa phương và doanh nghiệp nhà nước mà chưa xuất phát trừ sự cần thiết phải có mặt của đầu tư công. Tính phong trào, đua nhau từ đầu tư tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi (bến cảnh, sân bay…) tạo ra áp lực vốn rất lớn.

Ảnh: TS. Lê Hải Mơ, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính trình bày tham luận tại Hội thảo

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo cũng cho thấy, hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng, đang dần hoàn thiện. Về cơ bản, các dự án đều được tổ chức thẩm định, giám sát, đánh giá đầu tư theo đúng trình tự thủ tục và nội dung theo quy định của pháp luật… Song, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, trong đó đáng chú ý là chất lượng của công tác thẩm định vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu là bộ lọc nhằm sàng lọc, loại bỏ các dự án đầu tư không khả thi, không đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội.

Mặt khác, trong 3 loại hình đầu tư (đầu tư khu vực nhà nước, đầu tư khu vực tư nhân và đầu tư khu vực FDI), yếu tố khu vực nhà nước có tác động đến tăng trưởng GDP là cao nhất; tuy nhiên, trên thực tế, đầu tư công của nước ta chỉ có tác động đến tăng trưởng GDP trong ngắn hạn nhiều hơn là trong dài hạn. Kết quả nghiên cứu từ năm 1995 tới nay cho thấy, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam liên tục giảm.

Từ nghiên cứu thực tế tại các địa phương, TS. Đinh Trọng Thắng, Trưởng ban Chính sách Đầu tư – CIEM, cho biết đầu tư công cấp địa phương bị khép kín do quá trình phê duyệt chủ trương và danh mục đầu tư. Do đó, quy trình này có nguy cơ bị tác động bởi các nhóm lợi ích. Vì có danh mục dự án đầu tư hằng năm nên việc thẩm định dự án chỉ mang tính thủ tục, tỷ lệ loại bỏ dự án rất thấp.

Đề cập tới giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng, các tham luận và các ý kiến thảo luận đều thống nhất rằng trong thời gian tới Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

Một là, gắn tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công với việc tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, đồng thời điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đầu tư theo các ngành và vùng cho hiệu quả, thích ứng với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Cần coi trọng vai trò đầu tư “mồi” của kinh tế Nhà nước và vai trò chủ lực của kinh tế tư nhân.

Hai là, nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, cần công khai hoá chương trình, kế hoạch, lĩnh vực và thời hạn rút vốn ra khỏi các lĩnh vực không cần khu vực nhà nước, đầu tư công; trả lại các lĩnh vực cho khu vực phi Nhà nước. Xây dựng và thực hiện chủ trương đầu tư trung hạn;

Ba là, cần xem khâu thẩm định, đánh giá dự án đầu tư công là yếu tố then chốt trong cải cách thể chế quản lý đầu tư công. Đồng thời, thị trường hóa các dự án đầu tư công để thu hút vốn khu vực ngoài nhà nước, tăng tính độc lập, công khai, minh bạch của dự án, trách nhiệm của người phê duyệt, chủ đầu tư.

Kết luận Hội thảo, TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh tiếp Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, phát triển theo hướng bền vững và bao trùm. Bên cạnh đó, Việt Nam cần kiên trì tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, đặc biệt phải tiêu chuẩn hóa các mục tiêu. Từ đó, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý để nâng cao hiệu quả đầu tư công qua đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Tài liệu Hội thảo xem file đính kèm hoặc tham khảo tại Thư viện CIEM.

File đính kèm: Tai lieu hoi thao.rar

Nguồn: Trung tâm Thông tin tư liệu, CIEM


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi