Hội thảo “Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho Việt Nam”
Tin tức

Hội thảo “Tiếp cận bẫy thu nhập trung bình và gợi ý chính sách công nghiệp cho Việt Nam”

16/12/2014 - 1919 lượt xem

Hội thảo Hội thảo đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu của CIEM và các Bộ, ngành hữu quan, cùng đông đảo đại diện báo giới. Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) là diễn giả chính của Hội thảo.

Với kinh nghiệm gần 20 năm nghiên cứu về kinh tế Việt Nam và đã tham gia tư vấn chính sách phát triển kinh tế cho Việt Nam trên nhiều diễn đàn khác nhau, Giáo sư Kenichi Ohno là người rất am hiểu về kinh tế Việt Nam và dành nhiều tâm huyết với quá trình cải cách và phát triển kinh tế tại Việt Nam. Tại buổi Hội thảo, Giáo sư giới thiệu công trình nghiên cứu mới được xuất bản của Ông, trong đó đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu xác đáng về nền kinh tế Việt Nam và những khuyến nghị thẳng thắn rút ra từ thực tiễn phát triển kinh tế tại Nhật Bản và các nước khác có điều kiện và trình độ tương đương với nước ta.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh -  Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và GS. Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS)

Theo nhận định của Giáo sư Ohno: “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hoặc đang cận kề”. Dù đưa ra một định nghĩa riêng về bẫy thu nhập trung bình, nhưng Giáo sư Ohno cho rằng, điều quan trọng không phải là tranh cãi xem Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa mà điểm quan trọng là chúng ta cần làm gì để nền kinh tế có thể bứt phá được, Chính phủ cần có hành động và quyết định cụ thể.

Chính vì vậy, theo Giáo sư Ohno, việc tạo dựng giá trị bởi con người và các doanh nghiệp Việt Nam phải được xem là mục tiêu trọng tâm của các chính sách và “Nên bắt đầu bằng việc hoàn thiện chính sách FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ và chính sách liên kết”.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Giáo sư Ohno nhận định, 3 hành động cần thiết đối với Chính phủ Việt Nam lúc này là tạo dựng nguồn lực tăng trưởng; Giải quyết những vấn đề do tăng trưởng gây ra; Quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đi cụ thể vào việc tạo dựng nguồn lực, Giáo sư cho rằng trong 3 cấu phần của nguồn lực tăng trưởng: sự năng động của khu vực tư nhân, sự nhanh nhạy và năng động của lãnh đạo quốc gia, việc học tập các công cụ chính sách thì 2 yếu tố đầu tiên không dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn. Nhưng thành phần thứ ba, tức công cụ chính sách có thể được học tập và cải thiện trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Vì vậy, nên bắt đầu bằng việc học hỏi công cụ chính sách.

Dẫn chứng từ các nước đi sau đã có chính sách tốt để đạt được mức thu nhập cao là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Giáo sư Ohno khẳng định, đối với các quốc gia đang phát triển hiện nay, chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước này vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Chính sách quan trọng nhất là nâng cao năng lực của con người và doanh nghiệp.

Diễn đàn phát triển GRIPS và Diễn đàn phát triển Việt Nam đã đến nhiều nước châu Á và châu Phi để nghiên cứu về chất lượng chính sách. Khi nhắc đến châu Phi, nhiều người sẽ nghĩ đến một vùng đất lạc hậu đói nghèo. Nhưng những nghiên cứu về chính sách của 2 tổ chức này cho biết, thực tế là một số quốc gia ở châu Phi (như Mauritius, Rwanda, Ethiopia… và cũng có thể là Tinisia & Zambia) dù điều kiện hiện tại lạc hậu hơn nước ta, nhưng nền kinh tế lại đang phát triển rất hiệu quả và dự báo sẽ vượt nước ta nếu hai nước vẫn giữ tốc độ phát triển như hiện nay, do các nước này có chính sách công nghiệp tốt hơn Việt Nam.

Khuyến nghị của Giáo sư đã được đông đảo đại biểu tham sự Hội thảo tiếp nhận và đồng tình với những trăn trở đã trình bày.

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh cho biết Việt Nam đang trong quá trình nỗ lực cải cách và tái cơ cấu kinh tế, kinh nghiệm quốc tế và đóng góp của các chuyên gia tư vấn quốc tế đã được Chính phủ tiếp thu và tham khảo. Thực tế là trong thời gian qua đã có một số thay đổi đáng ghi nhận trong các chính sách quản lý kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn cần chú trọng hơn nữa để các chính sách này phát huy hiệu quả trong quá trình thực thi, nhằm mang lại những kết quả cụ thể trong chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của quốc gia cũng như của các doanh nghiệp Việt Nam./.

Tài liệu Hội thảo tham khảo tại Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu, CIEM.


Tin tức khác