Sinh hoạt chuyên đề “TPP và yêu cầu cải cách thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam”
Tin tức

Sinh hoạt chuyên đề “TPP và yêu cầu cải cách thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam”

17/01/2016 - 2072 lượt xem

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn chủ động nghiên cứu những vấn đề mới để tham mưu cho Đảng và Nhà nước các chủ trương, chính sách về đổi mới kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập ngày nay, cải cách thể chế được đặt ra hết sức cấp thiết, cần phải thực hiện ngay, thường xuyên và trong thời gian dài.

Ảnh 1: Đồng chí Nguyễn Đình Cung - Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng CIEM trình bày báo cáo tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đã điểm qua những điểm chính của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đồng thời phân tích những cơ hội về thương mại và thu hút đầu tư FDI mà Hiệp định TPP đem lại. Theo BÍ thư Đảng bộ, Viện trưởng Cung, tham gia vào Hiệp định TPP, Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu ở các thị trường rộng lớn do giảm thuế về mức bằng 0, giảm rào cản thương mại,v.v… Yêu cầu xuất xứ hàng hóa thúc đẩy việc phân bố lại sản xuất và thương mại trong các thành viên TPP làm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, những cơ hội này, theo Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Cung, là không đủ để Việt Nam phát triển bền vững. Do đó, cải cách thể chế theo yêu cầu hội nhập là việc hết sức cần thiết và cấp bách cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Muốn hội nhập trước hết chúng ta cần phải đổi mới tư duy có nghĩa phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, và cạnh tranh công bằng hơn. Bên cạnh đó chúng ta cần phải thay đổi cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của từng Bộ nói riêng và của Chính phủ nói chung.

Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung cũng cho biết Hiệp định TPP đem đến nhiều cơ hội cho CIEM như cơ hội đến từ áp lực bên ngoài và yêu cầu nội tại từ bên trong đối với cải cách, nhất là cải cách thể chế; cơ hội đến từ thực thi các FTAs, trong đó có các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, nghiên cứu đánh giá kết quả thực thi các FTAs; sẽ có nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật cho thực thi các hiệp định hoặc từng nội dung của các hiệp định; v.v…

Ảnh 2: Đồng chí Nguyễn Anh Dương - Đảng viên, Phó Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô phát biểu

Ảnh 3: Đồng chí Nguyễn Tú Anh - Đảng viên, Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô phát biểu

Ảnh 4: Đồng chí Đinh Trọng Thắng - Đảng viên, Trưởng ban Chính sách Đầu tư phát biểu

Ảnh 5: Đồng chí Lưu Đức Khải - Đảng viên, Trưởng ban Chính sách Phát triển nông thôn trình bày

Ảnh 6: Đồng chí Trần Toàn Thắng - Đảng viên, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh phát biểu

Tại Buổi sinh hoạt, các đồng chí Đảng viên CIEM đánh giá cao chủ đề của buổi sinh hoạt chuyên đề do Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung trình bày đã cung cấp cho toàn thể các cán bộ, đảng viên Đảng bộ CIEM một cái nhìn đầy đủ về cải cách thể chế để phát triển nền kinh tế của đất nước. Đa số các đồng chí Đảng viên CIEM đều cho rằng để nắm bắt được những cơ hội do TPP mang đến, CIEM cần nâng cao năng lực nghiên cứu và thành lập các nhóm, các hội đồng phối hợp nghiên cứu nhằm đề xuất những chính sách góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập phát triển kinh tế Việt Nam.

Ảnh 7: Toàn cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

Theo kế hoạch, hàng Quý, Đảng ủy Viện sẽ lựa chọn những chủ đề nóng của kinh tế - xã hội mời báo cáo viên trình bày với mong muốn cán bộ, đảng viên Đảng bộ Viện cần phải quán triệt được tinh thần đổi mới và thực sự đóng góp vào quá trình thúc đẩy cải cách thể chế trong thời gian tới./.

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin-Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác