Tọa đàm "Phát triển thị trường khoa học công nghệ: Kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam"
Hội nghị hội thảo

Tọa đàm "Phát triển thị trường khoa học công nghệ: Kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam"

30/07/2004 - 2989 lượt xem

Trong hai ngày toạ đàm, các đại biểu đã có các buổi trao đổi và thảo luận sôi nổi kinh nghiệm của Trung quốc và Việt nam về nhiều vấn đề liên quan đến quá trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ (KH&CN) như: bản chất của thị trường KH&CN, thực trạng thị trường KH&CN của Việt nam và Trung quốc, vai trò và hoạt động của các chủ thể trên thị trường KH&CN (doanh nghiệp, tổ chức trung gian/người môi giới, các viện nghiên cứu, nhà nước), các chính sách tác động đến sự phát triển của thị trường, v.v.. Dưới đây là một số ý chính tóm tắt kết quả các buổi thảo luận: ‎

- Trước tiên, các đại biểu đều khẳng định Trung quốc và Việt Nam cùng có mối quan tâm đến vấn đề phát triển thị trường KH&CN. Điều này bắt nguồn từ việc hai nước đều đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý‎của Nhà nước. Việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN ở Trung quốc và Việt Nam thực chất là quá trình gia tăng các giao dịch liên quan đến công nghệ giữa các chủ thể tiềm năng (giao dịch giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa trong nước và ngoài nước, v.v.) nhằm tăng cường đóng góp của KH&CN vào mục tiêu phát triển kinh tế và xã hội. Trọng tâm của phát triển thị trường KH&CN ở Việt nam và Trung quốc là khuyến khích đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp, tăng cường thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và gia tăng tính định hướng thị trường của hoạt động nghiên cứu.

- Qua phân tích thực trạng phát triển thị trường KH&CN của Việt nam và Trung quốc cho thấy Trung quốc đã đi trước Việt Nam trong lĩnh vực này khoảng 15 năm. Trong khi thị trường KH&CN của Việt Nam mới được hình thành ở mức độ manh nha thì ở Trung quốc, số lượng các giao dịch diễn ra trên thị trường KH&CN đã tương đối nhiều và sôi nổi. Trong quá trình hình thành và phát triển loại hình thị trường này, Trung quốc đã đạt được nhiều thành công trong nhiều lĩnh vực như: tận dụng công nghệ nhập khẩu để nâng cao năng lực công nghệ nội sinh, phát huy vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong việc nâng cao năng lực công nghệ trong nước, phát triển hệ thống môi giới công nghệ, thu hút nhân tài, v.v. Bên cạnh đó, Trung quốc cũng chưa thành công và còn vướng mắc ở không ít lĩnh vực như: hiệu quả đầu tư và hiệu quả các chương trình khoa học và công nghệ của Nhà nước, đổi mới và nâng cao năng lực của hệ thống các tổ chức KH&CN, sự tham gia của khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vào thị trường KH&CN, v.v.

- Qua hai ngày toạ đàm, các đại biểu cho rằng Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ những thành công và chưa thành công của Trung quốc. Tuy nhiên, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của các nước (trong đó có Trung quốc), những giải pháp cho phát triển thị trường KH&CN của Việt nam phải xuất phát từ việc phân tích kỹ lưỡng tình hình cụ thể trong nước. Để phát triển thị trường KH&CN, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung giải quyết nhiều vấn đề như: gia tăng nhu cầu đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ trong khu vực doanh nghiệp, cải cách hệ thống tổ chức KH&CN, đổi mới chính sách đầu tư của nhà nước cho KH&CN, tăng cường hiệu lực pháp luật về sở hữu công nghiệp, phát triển hệ thống môi giới và cung cấp thông tin công nghệ, v.v.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi