Họp mặt doanh nhân trong nước lần thứ tư "Đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nhân trong nước trong thời gian qua"
Hội nghị hội thảo

Họp mặt doanh nhân trong nước lần thứ tư "Đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nhân trong nước trong thời gian qua"

04/08/2004 - 2991 lượt xem

Cuộc họp mặt đã thu hút gần 250 đại biểu là đại diện các cấp chính quyền trung ương, địa phương và doanh nhân đến từ 14 tỉnh, thành phía Bắc. Chủ tọa Cuộc họp là đồng chí Trần Văn Tuấn, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; ông Lại Quang Thực, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Jordan Ryan, Trưởng đại diện UNDP Việt Nam; và TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện NCQLKTTW

Nội dung chính của cuộc họp mặt này là nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và giá trị xã hội của doanh nghiệp dân doanh, đồng thời trao đổi các thông tin liên quan đến việc triển khai thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và các chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các vướng mắc, cũng như những bất hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương đường lối, các chính sách đó. Từ đó kiến nghị các giải pháp phù hợp để giải quyết những tồn tại, khó khăn tạo thuận lợi hơn nữa để giới đầu tư an tâm đầu tư, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam.

Một trong những chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đó là Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Sau 9 năm thực hiện, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp. Nhờ có sự đầu tư của doanh nghiệp, việc làm và đời sống của người lao động cũng đã được cải thiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách của chúng ta còn nhiều tồn tại chưa giải quyết được.

Chính sách tạo điều kiện mặt bằng kinh doanh còn nhiều yếu kém trong khâu quy hoạch đất. Nguyên nhân chính của công tác này là năng lực cán bộ yếu kém. Bên cạnh đó việc công khai quy hoạch đất đã có tiến bộ, nhưng chưa trở thành biện pháp rộng khắp và thường xuyên do vậy gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi chọn địa điểm đầu tư.

Các biện pháp hỗ trợ về vốn từ phía Nhà nước không khả thi, còn đối với nguồn tín dụng ưu đãi từ phía Nhà nước thì doanh nghiệp rất khó tiếp cận, đặc biệt là việc quy định phải có tài sản thế chấp đã gây không ít cản trở đối với doanh nghiệp.

Chính sách khuyến khích các hoạt động hỗ trợ đầu tư như đào tạo nghề, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hoạt động xúc tiến thương mại hầu như chưa đến được với doanh nghiệp, đặc biệt là việc hỗ trợ về chuyển giao công nghệ và cung cấp thông tin thị trường còn rất yếu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu sự tận tâm của nhiều cơ quan có thẩm quyền, còn có nhiều cách hiểu khác nhau hoặc có những định kiến đối với khu vực doanh nghiệp tưnhân.

Ngoài ra, các chính sách liên quan đến việc áp dụng thuế đối với doanh nghiệp cũng đang là những vấn đề bức xúc chưa giải quyết được từ phía các cơ quan hữu quan. Đó là việc hạch toán nhiều chi phí thực trong ngành vận tải đường sông, biển, đường bộ không được cơ quan thuế chấp thuận. Những chi phí bị coi là “không hợp lý” này đôi lúc lên tới hàng chục triệu đồng (theo ý kiến của một doanh nghiệp của TP Hải Phòng) làm tăng rất cao giá thành của doanh nghiệp là cho doanh nghiệp phải chịu thất thiệt về tài chính.

Một nguyên nhân quan trọng nữa gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, không những lãng phí về thời gian mà còn mất cả cơ hội đầu tư là sự phối hợp yếu kém giữa các cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện ở việc đùn đẩy tránh nhiệm lẫn nhau khi giải quyết những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp. Cuối cùng thì sự thiệt thòi doanh nghiệp phải hứng chịu.

Để giải quyết những tồn tại này, nhiều kiến nghị được đưa ra là cần phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong việc thực hiện Luật KKĐTTN; cải tiến thủ tục xét cấp ưu đãi đầu tư (vì với các quy định như hiện nay, các hộ kinh doanh cá thể và kinh tế trang trại chưa được hưởng ưu đãi đầu tư); cần tạo điều kiện hơn nữa để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệpgiúp cho doanh nghiệp có mặt bằng hoạt động sản xuất kinh doanh.


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi