Công bố "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2008"
Hoạt động

Công bố "Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2008"

14/05/2009 - 2766 lượt xem

I. Tổng quan Kinh tế Việt Nam năm 2008

 

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2008 đã chịu tác động tương tác giữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan khác. Nền kinh tế toàn cầu biến động phức tạp: giá dầu tăng mạnh và giá lương thực leo thang đến tháng 8/2008; khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng nổ vào tháng 9/2008 và nền kinh tế thế giới lún sâu vào suy thoái.

Trước tình hình lạm phát gia tăng từ quí III/2007, từ tháng 4/2008 Chính phủ đã có bước ngoặt chuyển hướng chính sách từ thúc đẩy tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát. Từ tháng 10/2008, nền kinh tế lại phải gồng mình chống đỡ tác động hết sức tiêu cực của cơn bão khủng hoảng và suy thoái toàn cầu. Một lần nữa, Chính phủ lại chuyển hướng chính sách, tập trung chống suy giảm kinh tế cùng tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Chính sách tiền tệ được nới lỏng dần và từ tháng 12/2008, một gói 6 tỷ USD kích thích kinh tế được chính thức triển khai nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, kích thích tiêu dùng và giảm thiểu khó khăn xã hội.

Trong bối cảnh có những biến động không thuận của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta năm 2008 đã chậm lại, còn 6,2% so với 8,5% năm 2007. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2000; hơn nữa tăng trưởng quí IV/2008 chỉ đạt 5,7% so với 6,5% của ba quí đầu năm 2008. Dẫu vậy, việc đạt được mức tăng trưởng 6,2% vẫn đáng được ghi nhận, nhất là so với nhiều nước đang phát triển và trong khu vực. Đặc biệt, trong khi tăng trưởng của khu vực công nghiệp-xây dựng sụt giảm đáng kể (6,1% so với 10,2% năm 2007), thì khu vực nông-lâm-thủy sản lại có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2007 (4,1% so với 3,8%), thể hiện ý nghĩa to lớn của khu vực này trong phát triển đất nước cũng như trong giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình khó khăn.

Bảng 1: Tăng trưởng GDP, 2004-08 (%)

 

2004

2005

2006

2007

2008

Tốc độ tăng trưởng (%)

GDP

7,79

8,44

8,23

8,46

6,18

Nông-lâm-thủy sản

4,36

4,02

3,69

3,76

4,07

Công nghiệp-xây dựng

10,22

10,69

10,38

10,22

6,11

Dịch vụ

7,26

8,48

8,29

8,85

7,18

Đóng góp vào tăng trưởng GDP theo điểm phần trăm

GDP

7,79

8,44

8,23

8,46

6,18

Nông-lâm-thủy sản

0,92

0,82

0,72

0,70

0,73

Công nghiệp-xây dựng

3,93

4,21

4,17

4,19

2,54

Dịch vụ

2,94

3,42

3,34

3,57

2,90

Nguồn: Tổng cục Thống kê (TCTK) và tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Viện NCQLKTTƯ).

 

Vốn đầu tư xã hội vẫn chiếm tỷ trọng cao, bằng 40,9% GDP, tuy đã thấp hơn so với tỷ lệ 46,5% GDP năm 2007. Mức đầu tư cao chủ yếu do vốn đầu tư khu vực FDI và khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh, tương ứng 48,7% và 19,3% so với năm 2007. Vốn đầu tư khu vực nhà nước giảm mạnh (-11,9%), phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt. Năm 2008 là năm đầu tiên vốn đầu tư nhà nước, đã từng có tỷ trọng lớn nhất trong nhiều năm, trở thành có tỷ trọng nhỏ nhất trong tổng vốn đầu tư xã hội. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của khu vực nhà nước, nhất là của các tập đoàn và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) qui mô lớn vẫn là một dấu hỏi lớn. Đặc biệt, sau hơn hai năm dòng vốn FDI ồ ạt đổ vào Việt Nam, nền kinh tế đã và đang bộc lộ nhiều bất cập cản trở khả năng hấp thụ vốn hiệu quả. Hơn nữa, việc thu hút FDI còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và thách thức. Qui hoạch và phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư vẫn còn nhiều bất cập.

Thương mại quốc tế năm 2008 có bước chuyển biến mới. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 62,7 tỷ USD, tăng 29,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 80,7 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2007. Nước ta đã trở thành một nền kinh tế có độ mở cao xét theo tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP (160,7% GDP và 177,5% GDP nếu tính cả thương mại dịch vụ). Tuy nhiên, thương mại dịch vụ chưa thật phát triển, năm 2008 chỉ bằng 10,5% thương mại hàng hóa, mức thấp hơn nhiều tỷ lệ trên 20% của thế giới. Cũng đã bắt đầu xuất hiện xu thế đa dạng hóa mặt hàng để đối phó với rủi ro trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào các nhóm hàng khoáng sản và nông - lâm - thủy sản thô, sơ chế; hàng công nghiệp chế biến chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp.

Một đặc trưng của năm 2008 là tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát leo thang; thâm hụt thương mại hàng hóa và thâm hụt cán cân vãng lai lớn, rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng tăng. Tình hình kinh tế vĩ mô đã trở nên ổn định hơn từ tháng 8/2008. Đặc biệt lạm phát giảm nhanh trong quí IV/2008, dẫn đến lạm phát cả năm còn gần 20%, tuy vẫn cao song đã thấp hơn nhiều mức tháng 8/2008.

Tốc độ tăng trưởng giảm đồng nghĩa với tình trạng doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Vào tháng 7/2008, tổng số người thất nghiệp ở thành thị tăng 2,7% so với năm 2007, đưa tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị lên 4,7% so với 4,6% năm 2007. Con số người thất nghiệp, mất việc làm và phải giảm giờ làm còn tăng cao hơn nữa trong nửa cuối năm 2008. Hơn nữa, lạm phát cao càng làm giảm thu nhập thực của đa số dân cư và có tác động rất xấu đến nhóm người nghèo, thu nhập thấp.

Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội năm 2008 đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Bên cạnh hệ thống chính sách hỗ trợ xã hội có tính thường xuyên, nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực đã được thực hiện nhằm giảm thiểu thiệt hại và khó khăn cho người nghèo, thu nhập thấp và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác. Tuy nhiên, các chương trình hỗ trợ xã hội thường triển khai chậm, không hiếm trường hợp không đúng đối tượng, trong khi lại thiếu những đánh giá về hiệu lực, hiệu quả chương trình.

Những kết quả đáng ghi nhận về kinh tế - xã hội cũng như những khó khăn nền kinh tế phải trải qua trong năm 2008 đã để lại nhiều bài học chính sách sâu sắc.

- Trước hết, hội nhập sâu rộng hơn đem lại nhiều cơ hội to lớn, những cũng đồng nghĩa rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô có thể tăng lên.

- Quyết định mục tiêu chính sách và phản ứng chính sách kịp thời phải dựa trên việc bám sát, cập nhật thông tin cũng như những dự báo/cảnh báo có phân tích.

- Hiệu lực, hiệu quả chính sách còn phụ thuộc vào sự phối hợp giữa các bộ, các cơ quan hữu quan cũng như mối quan hệ thông tin minh bạch, có tính giải trình cao giữa nhà nước với thị trường, công chúng. Những đặc thù riêng của Việt Nam càng đòi hỏi chính sách phải có sự giải trình, rà soát thận trọng và được minh chứng.

- Trong điều kiện Việt Nam, việc kết hợp chặt chẽ các chính sách kinh tế vĩ mô với các biện pháp vi mô cũng có thể rất cần thiết khi xử lý các vấn đề kinh tế - tài chính “đột ngột” phát sinh theo chiều hướng xấu. Song cũng cần chuẩn bị cả cách thức/lộ trình rút bỏ các biện pháp đó, nhất là các biện pháp có tính hành chính, một cách chu đáo và được giải trình nghiêm túc.

- Các chính sách kinh tế thường khó có tác động cùng chiều, nhất là trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, đối với các mục tiêu và các nhóm xã hội khác nhau. Chính vì vậy, cần cả sự hỗ trợ đối với người nghèo, nhóm xã hội dễ bị tổn thương và cả ý chí chính trị vượt qua các nhóm trục lợi/nhóm đặc quyền.

- Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái lan rộng toàn cầu, những bài học đó vẫn là những gợi ý có giá trị cho việc lựa chọn mục tiêu chính sách và cách thức thực thi chính sách một cách có hiệu lực và hiệu quả.

 

II. Dự báo Kinh tế Việt Nam năm 2009

 

Năm 2009 là năm thứ ba đánh dấu sự hội nhập khá toàn diện của kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới. Năm 2009, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết song phương, vùng và các cam kết trong khuôn khổ WTO với tư cách là một thành viên chính thức. Năm 2009 cũng là năm thứ tư triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010 với gói chính sách kích cầu 6 tỷ USD trong bối cảnh nền kinh tế nước ta còn tiếp tục bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tòan cầu.

Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2008 cũng như những yếu kém cần phải khắc phục có tính đến triển vọng tình hình trong và ngoài nước năm 2009, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, Kỳ họp thứ 4 đã ra Nghị quyết 23/2008/QH12 (ngày 6/11/2008) về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và 21/2008/QH12 (8/11/2008) về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2009. Tuy nhiên, năm 2009 kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đà suy giảm và tăng trưởng chậm hơn so với năm 2008 do tác động mạnh và chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt của cuộc suy thoái kinh tế kinh tế tòan cầu. Sự suy giảm của kinh tế thế giới là nhân tố có thể tác động bất lợi cho nền kinh tế nước ta, một nền kinh tế vốn dĩ dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Mặt khác, trong nước việc thực thi chính sách kích thích kinh tế, ở một chừng mực nhất định nào đó, sẽ gây áp lực làm tăng lạm phát. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế do Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, Kỳ họp thứ 4 (ngày 06/11/2008) đặt ra cho năm 2009 sẽ là mục tiêu khó khả thi, nếu như các tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam trở thành hiện thực và việc thực thi chính sách kích cầu không đạt được hiệu quả mong muốn.[1]

Để làm sáng tỏ nhận định trên, Viện NCQLKTTƯ tiến hành dự báo một số chỉ tiêu kinh tế cơ bản của Việt Nam trong năm 2009. Dự báo dựa trên triển vọng kinh tế thế giới[2] và những tác động tới nền kinh tế Việt Nam cũng như những phân tích diễn biến nội tại nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009 có tính tới những điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp với các cam kết WTO, khu vực và song phương cũng như chính sách kinh tế vĩ mô nhằm ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế và giảm bớt tốc độ tăng của lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bảng 2, một số giả định cụ thể về triển vọng của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam được dùng để xây dựng các kịch bản dự báo kinh tế vĩ mô và mô phỏng chính sách cho năm 2009. Các giả định cho năm 2009 được so với năm 2008.

Bảng 2: Giả định và kết quả dự báo một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2009 (%)

 

Kịch bản

Cơ bản

Kịch bản

Lạc quana

Kịch bản

bi quana

Giả định về mức tăng*

 

 

 

GDP thực của các đối tác thương mại

+0,5

+1,0

+0,0

Giá dầu thô thế giới

-50,0

-45,0

-60,0

Tỷ giá hối đoái danh nghĩa (VNĐ/USD)c

+5,0

 

+3,0

Cung tiền tệ (M2)

+25,0

 

+15,0

 

Kết quả

 

 

 

GDP (giá 1994)

4,69

5,56

3,39

Lạm phát (CPI) (mức trung bình)

9,4

8,9

8,2

Nhịp tăng xuất khẩu (%)

-12,2

-7,2

-25,5

Chú thích:

· Thương mại trong mô hình được tính theo Hệ thống tài khoản quốc gia.

· * Trong bảng này, chúng tôi chỉ đưa ra một số giả định được sử dụng trong mô hình

· a Các giả định khác không thay đổi, giữ nguyên như trong kịch bản cơ bản; c mức tăng dương (+) nghĩa là phá giá.

Nguồn: Dự báo của Viện NCQLKTTƯ.

 

Nhìn chung, các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô cho thấy, trong năm 2009 nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn năm 2008, lạm phát cao và thâm hụt ngân sách ở mức tương đối lớn điều này một phần do tác động của việc thực thi gói chính sách kích cầu của Chỉnh phủ. Một số chỉ tiêu dự báo trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP theo kịch bản cơ bản thấp xa so với các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Hơn nữa, ngay cả với kịch bản lạc quan, thì nền kinh tế cũng sẽ chỉ tăng với tốc độ khoảng 5,56%, trong khi đó mức thâm hụt ngân sách lên đến 9,4% GDP. Điều này cho thấy mục tiêu tăng trưởng GDP cần được Quốc hội và Chính phủ xem xét lại một cách thận trọng để điều chỉnh khi thực thi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, xét cả trong nước cũng như bối cảnh quốc tế. Kết quả dự báo từ mô hình cũng cho thấy, lạm phát vẫn đứng ở mức cao, mặc dù thấp hơn so với mức năm 2008 và nhập siêu còn lớn, chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn (Bảng 2).

Các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng cho thấy khả năng tăng trưởng của nền kinh tế của Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều mức tăng trưởng của năm 2008. IMF (2009) và WB (2009) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009 tương ứng đạt 3,3% và 5,5% so với năm 2008. Dự báo của ADB (2009) và EIU (2009) cũng cho thấy, trong năm 2009, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình, tương ứng, là 4,5%; và 0,3%/năm.[3] Như vậy, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 5,5% năm 2009 dường như khó trở thành hiện thực.

 


[1] Chính phủ mới đây trong phiên họp vào tháng 4 năm 2009 đã đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% xuống còn 5,5% năm 2009.

[2] Theo đánh giá của World Bank (April, 2009).

[3] Trong mô hình của Viện NCQLKTTW, chúng tôi có đưa vào một số biến số (variables) phản ánh việc thực thi các chính sách kích cầu đầu tư và tiêu dùng gần đây của Chính phủ Việt Nam. Chính các chính sách này đã tác động đến nền kinh tế và dẫn đến kết quả dự báo tăng trưởng kinh tế từ Mô hình kinh tế lượng của chúng tôi cao hơn dự báo của các tổ chức quốc tế khác.

Tệp đính kèm:
PressreleaseKTVN08CIEMtrichbaocao1.doc

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi