Toạ đàm “ Góp ý Dự thảo báo cáo điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013 và một số nghiên cứu sâu”
Hội nghị hội thảo

Toạ đàm “ Góp ý Dự thảo báo cáo điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2013 và một số nghiên cứu sâu”

21/05/2014 - 2260 lượt xem

Tham dự Toạ đàm có TS. Nguyễn Đình Cung – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì Tọa đàm; TS. Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội; GS. John Rand và TS. Neda Trifkovic, Đại học Tổng hợp Copenhagen (ĐH Copenhagen); các cán bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và các đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước.

Buổi Toạ đàm tập trung trình bày về các nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đến từ trường ĐH Copenhagen với các nội dung về đặc điểm của môi trường kinh doanh tại Việt Nam và kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013. DNNVV sẽ tiếp tục là trọng tâm của quá trình phát triển Việt Nam, xây dựng tăng trưởng kinh tế và đào tạo nguồn nhân lực. Kết quả điều tra cho thấy, điều kiện kinh doanh của DNNVV hoạt động tại Việt Nam như thế nào để phát triển vững chắc với các cơ hội và thách thức từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, các nghiên cứu sâu về vấn đề tự do hoá thương mại và phi chính thức; tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện làm việc của lao động trong các DNNVV Việt Nam; khả năng hấp thụ và cải tiến của DNNVV.

Theo GS. John Rand, vấn đề về tự do hoá thương mại và phi chính thức đã tập trung vào một khía cạnh chính thức như là một yếu tố thúc đẩy bằng cách xem xét tác động của tự do hoá thương mại đến khả năng doanh nghiệp chuyển khỏi khu vực phi chính thức tại Việt Nam. Tập trung vào các tác động khác biệt giữa các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm cuối cùng với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm thị trường đầu vào.

Báo cáo cũng chỉ ra, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã trở nên nặng nề hơn năm 2009 và 2011. Mặc dù gần 90% DNNVV đã có sự chuyên môn hoá và đa dạng hoá sản phẩm của mình nhưng năng suất lao động giảm, tỷ trọng đầu tư năm 2013 thấp hơn so với năm 2011.

Đối với năng lực hấp thu và đổi mới, sáng tạo của DNNVV, anh Nguyễn Thành Tâm – nghiên cứu viên Ban Cải cách và phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết các DNNVV cần chú ý đến các vấn đề tác động đến hoạt động để phát triển là trình độ học vấn của chủ sở hữu cần tỷ lệ thuận với các hoạt động như giới thiệu sản phẩm mới, cải tiến sản phẩm và công nghệ mới của doanh nghiệp; tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ  thuật tỷ lệ thuận với cải tiến sản phẩm và công nghệ mới; đào tạo lao động (ngắn hạn và dài hạn) ảnh hưởng tích cực đến đổi mới, sáng tạo.

TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó Cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn về 37% DNNVV gặp khó khăn đang cân nhắc vay vốn, nhưng vì sao họ không vay được vốn? Thêm vào đó là nghiên cứu sâu hơn về chi phí bôi trơn của các doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, GS.,TS. Nguyễn Mạnh Quân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN – ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lại cho rằng “Mục tiêu nước ta có một triệu DN hoạt động hiệu quả trong 10 năm tới rất khó thực hiện được, khi mà các DN, nhất là các DN quy mô vừa chịu tác động mạnh mẽ của thị trường.”

Kết thúc buổi Toạ đàm, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh “báo cáo đã cung cấp được một lượng thông tin rất lớn, phản ánh được hình ảnh của DNNVV tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các thách thức trong thời kỳ nền kinh tế đang thực sự gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó,  thì cần phải biết được bản chất thực sự của các con số trong báo cáo thể hiện điều gì” và TS. Cung mong muốn nghiên cứu sẽ đưa ra các kiến nghị về chính sách để tháo gỡ khó khăn cho các DN nói chung cũng như các DNNVV nói riêng.

Tài liệu Tọa đàm có thể tham khảo tại Thư viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Nguồn: CIEM


Tin tức khác