Hội thảo công bố Kế hoạch hành động 4 ngành công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cách thức triển khai, thực hiện các Kế hoạch hành động
Hội nghị hội thảo

Hội thảo công bố Kế hoạch hành động 4 ngành công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cách thức triển khai, thực hiện các Kế hoạch hành động

25/09/2014 - 2791 lượt xem

Ngày 01/08/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1290/QĐ-TTg; 1291/QĐ-TTg; 1292/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển các ngành công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng. Gần đây nhất là Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 12/8/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp.

            Sáng ngày 25/09/2014, với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác Chiến lược Công nghiệp hoá của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020. Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo ”Công bố Kế hoạch hành động 4 ngành công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cách thức triển khai, thực hiện các Kế hoạch hành động” tại trụ sở CIEM. Hội thảo do. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì. Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và đại diện các cơ quan, ban ngành của các tỉnh, các doanh nghiệp.

Ảnh: Toàn cảnh buổi Hội thảo

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM, Tổ trưởng Tổ Công tác chủ trì buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, trình bày về Kế hoạch hành động ngành máy nông nghiệp, ông Cao Bảo Anh – Đại diện cho nhóm chuyên trách máy nông nghiệp thuộc Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương cho biết thực trạng và nguyên nhân dẫn tới việc phổ cập máy nông nghiệp kém, bên cạnh đó năng lực công nghiệp hỗ trợ tạo ra các linh phụ kiện cung ứng cho các sản phẩm máy nông nghiệp của các doanh nghiệp trong nước cũng như FDI vẫn còn yếu, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn ở quy mô vừa và nhỏ. Kế hoạch hành động giải quyết các vấn đề khó khăn cũng như để phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp là thực hiện chương trình hỗ trợ máy nông nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân (bên cầu); khuyến khích các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp cung cấp các loại máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất lúa gạo dựa theo nhu cầu của nông dân (bên cung); và xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường kinh doanh máy nông nghiệp lành mạnh.

Ảnh: Ông Cao Bảo Anh - Đại diện cho nhóm chuyên trách máy nông nghiệp thuộc Vụ Công nghiệp nặng – Bộ Công Thương             

Đối với Kế hoạch hành động ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, ngành đã và đang thu hút được sự quan tâm đầu tư phát triển của xã hội, ông Đoàn Xuân Điệp – Đại diện Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương cho biết theo dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu năng lượng để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Ngành công nghiệp đóng một vai trò quan trọng vởi vì công nghiệp vừa là “người tiêu thụ” khối lượng năng lượng lớn (như ở các ngành: gốm, sứ, giấy, thép, xi măng v.v.), đồng thời vừa là “nhà sản xuất” ra các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Kế hoạch hành động tập trung đến việc sản xuất thiết bị xử lý môi trường; phát triển dịch vụ môi trường; tái chế, tái sử dụng chất thải; tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; xây dựng cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ để đảm bảo phát triển bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đối với ngành công nghiệp điện tử, mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu nhưng thực tế, ngành điện tử Viện Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Ông Bùi Bài Cường - Đại diện Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Kế hoạch hành động cho ngành công nghiệp điện tử sẽ là phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực công nghiệp điện tử; phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử; thu hút các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới; phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử; hình thành các cụm công nghiệp điện tử và thực hiện công tác điều phối Kế hoạch hành động.

Ảnh: Ông Bùi Bài Cường - Đại diện Vụ Công nghệ thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông

Đối với ngành công nghiệp chế biến nông, thuỷ sản, ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện tại ngành còn có nhiều khó khăn và tồn tại như lợi nhuận mang lại chưa cao do tỷ lệ xuất khẩu thô nhiều, chưa đi sâu vào việc chế biến, chưa lựa chọn được sản phẩm chủ đạo, quy mô sản xuất nhỏ v.v. tỷ trọng FDI trong ngành nông nghiệp vẫn dừng lại ở con số dưới 1%. Vì vậy, Kế hoạch hành động đề ra một số chủ trương với định hướng đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiếp cận với các sản phẩm nông, thuỷ sản và an toàn thực phẩm với chất lượng cao bao gồm: xây dựng mặt hàng tiêu biểu theo đặc tính vùng, miền phù hợp với việc sản xuất như: cao su (Đông Nam Bộ), cà phê (Tây Nguyên), chè (các vùng núi phía Bắc, Lâm Đồng), tôm (Đồng bằng Sông Cửu Long - ĐBSCL, Phú Yên, Khánh Hoà), rau quả (ĐBSCL, Lâm Đồng); xây dựng chất lượng sản phẩm, bảo đảm nguồn cung ổn định, hàm lượng chế biến cao, hàng hoá lưu thông thuận tiện; xây dựng triển khai các vùng thí điểm khu chế biến ở các khu công nghiệp hiện đại; nâng cao chất lượng các mặt hàng thuỷ sản, thực phẩm chế biến; rà soát cơ chế chính sách, thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước.

Ảnh: Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm, thuỷ sản và nghề muối - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đóng góp ý kiến cho các Kế hoạch hành động, như cần quan tâm nhiều và sâu hơn đến các chính sách cho các doanh nghiệp trong nước và chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài về công nghệ sản xuất để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tìm tòi và có thể sản xuất máy móc thiết bị ngay tại trong nước.

Kết thúc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh ghi nhận các ý kiến chia sẻ từ các đại biểu và nhấn mạnh đây là Hội thảo khởi động cho quá trình thực hiện Chiến lược CNH Việt Nam hướng đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 trong khuôn khổ hợp tác của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản. Hoạt động hợp tác này là một cách chuyển giao công nghệ qua việc làm chiến lược và đưa ra Kế hoạch hành động ngắn gọn, cụ thể. TS. Tuệ Anh cũng bày tỏ mong muốn sau cuộc Hội thảo này, Tổ Công tác tiếp tục nhận được sự hợp tác, quan tâm từ các cơ quan, ban, ngành liên quan, Hiệp hội các Doanh nghiệp, các doanh nghiệp địa phương, nhóm chuyên trách để triển khai các Kế hoạch hành động một cách hiệu quả./.

Tài liệu Hội thảo có thể tham khảo tại Thư viện CIEM

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi