Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hoá thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu”
Hội nghị hội thảo

Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hoá thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu”

10/10/2014 - 2497 lượt xem

Để có cơ sở kiến nghị các giải pháp về vấn đề quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, CIEM phối hợp với Dự án GIG tổ chức Hội thảo “Triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hoá thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu” do TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM chủ trì sáng ngày 10/10/2014.

Ảnh: Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Ông Phan Vinh Quang  - Trưởng nhóm Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (USAID GIG); Bà Đặng Bình An – Chuyên gia tư vấn, Dự án USAID GIG ; Ông Ngô Minh Hải – Phó Cục trưởng Cục giám sát và quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan; các cán bộ nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cùng đại diện các cơ quan ban ngành đến từ Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện các doanh nghiệp và các cơ quan báo chí trong nước.

TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 dựa trên 5 chỉ tiêu bao gồm khởi sự kinh doanh; bảo vệ nhà đầu tư; nộp thuế; tiếp cận điện; và thương mại hàng hoá qua biên giới.Hiện các cơ quan quản lý đang nỗ lực rà soát hệ thống văn bản, quy định về quản lý nhằm triển khai Nghị quyết số 19 của Chính phủ với mục tiêu quan trọng là cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.  Đến nay, chỉ tiêu khởi sự kinh doanh và bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế đã được triển khai mạnh mẽ. Về chỉ tiêu thương mại hàng hoá qua biên giới cũng được tích cực thực hiện, tuy nhiên cho đến hiện tại so với chỉ tiêu nộp thuế, thì kết quả đo lường chưa xác định được.

Tại Hội thảo, các đại diện của các Bộ, Ban ngành cũng góp nhiều ý kiến cho thấy hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề do quy định chồng chéo và chưa có sự liên thông phối hợp giữa các Bộ dẫn đến việc gây khó khăn cho các doanh nghiệp XNK. Chẳng hạn như danh mục kê khai hàng hoá của Tổng cục Hải quan không đồng bộ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế; các mã danh mục HFcode chưa quy định rõ ràng và không đầy đủ chi tiết; việc thông quan hải quan điện tử vẫn còn một số vướng mắc khiến các doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian và tốn kém về tiền bạc trong thủ tục kê khai hàng hoá.

Ảnh: Ông Phan Vinh Quang  - Trưởng nhóm Dự án Quản trị nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (USAID GIG) phát biểu tại Hội thảo

Theo ý kiến phát biểu tại Hội thảo, việc đơn giản hóa các thủ tục đối với hàng xuất nhập khẩu là một quá trình không có điểm dừng. Do đó, cần tiếp tục giải quyết nhằm tạo sự minh bạch, rõ ràng, đồng bộ, và dễ thực hiện để tránh chồng chéo do nhiều cơ quan chức năng cùng yêu cầu quản lý, kiểm tra đối với cùng một loại sản phẩm. đồng thời, rút ngắn thời gian và đơn giản hoá các thủ tục nhằm giảm chi phí và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp XNK có môi trường kinh doanh nhanh, gọn.

Các chuyên gia khuyến nghị, cần triệt để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tăng cường cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, cần nhấn mạnh nguyên tắc, không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy tờ ngoài quy định; các Bộ, ngành cần ban hành đủ các quy chuẩn để cơ quan quản lý và doanh nghiệp có điều kiện so sánh, thực hiện; chỉ định rõ cơ quan hoặc tổ chức có trách nhiệm thực hiện việc kiểm định chất lượng, phân tích mẫu hàng hóa và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan cũng như công nhận và sử dụng chung số liệu giữa các cơ quan. Đồng thời, cũng nên tạo cơ chế hỗ trợ Tổng cục Hải quan, như mở tài khoản ngân hàng của Tổng cục Hải quan để doanh nghiệp nộp tiền theo tờ khai thay vì phải đến tận kho bạc; thay đổi cách thực hiện và cung cấp đủ nguồn lực, điều kiện thiết bị máy móc kiểm tra hàng hoá để giúp các cơ quan hải quan giảm được thời gian quản lý và thực hiện thủ tục thông quan cho doanh nghiệp nhanh hơn.

Ảnh: TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM phát biểu tại Hội thảo

Kết luận tại Hội thảo, TS. Cung nhận định Nghị quyết 19 của Chính phủ đã được triển khai thực hiện ở các Bộ, Ngành, tuy nhiên mức độ tích cực, hiệu quả, hiệu lực, có sự khác nhau. Sự chênh lệch về giải quyết các nhu cầu của doanh nghiệp vẫn còn cao, có những văn bản mới được đưa ra nhưng lại tạo thành vấn đề cho doanh nghiệp hơn là giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp, đây là việc cần xem xét, nhất là trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Nếu không giải quyết những vấn đề này thì doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ mất dần cơ hội. Vì vậy, các văn bản mới được đưa ra cần chú trọng giải quyết những vướng mắc liên quan đến quy trình thực hiện các văn bản pháp quy, tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý nhà nước; đồng thời, rà soát toàn bộ các văn bản về việc thực hiện ngành nghề kinh doanh để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tài liệu Hội thảo tham khảo tại Thư viện CIEM./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM


Tin tức khác