Diễn đàn “Năng suất lao động Việt Nam 2014”
Hội nghị hội thảo

Diễn đàn “Năng suất lao động Việt Nam 2014”

28/11/2014 - 2015 lượt xem

Diễn đàn có sự tham gia của TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng kiêm Giám đốc Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô (GIZ) và hơn 100 đại biểu từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Tham dự Diễn đàn về phía quốc tế có đại diện của Đại Sứ quán Ôtxtrâylia, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), v.v... Về phía các cơ quan của Việt Nam có đại diện của các Bộ/ngành Trung ương (Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, v.v...), các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học, các chuyên gia nghiên cứu độc lâp; Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của CIEM và các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí đến đưa tin.

Ảnh: Toàn cảnh Diễn đàn

Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đang là một vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt từ sau khi ILO công bố kết quả nghiên cứu năng suất lao động của Việt Nam ở mức rất thấp. ILO cho rằng năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thấp hơn Xin-ga-po 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc khoảng 10 lần. So với các nước có thu nhập trung bình trong khối ASEAN, NSLĐ của Ma-lai-xi-a gấp 5 lần NSLĐ của Việt Nam còn NSLĐ của Thái Lan gấp 2,5 lần NSLĐ của Việt Nam. Thực trạng đã tồn tại từ khá lâu và là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng của đất nước.

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam hiện nay phải trở thành một động lực của tăng trưởng, NSLĐ cũng thể hiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ảnh: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tê Trung ương chủ trì tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn, TS. Michael Krakowski giới thiệu về “Năng suất tài nguyên và tăng trưởng kinh tế: một quan điểm châu Âu” đã đưa ra những bằng chứng về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên cho phép nền kinh tế tạo ra nhiều của cải vật chất và giá trị lớn hơn với đầu vào tài nguyên ít hơn. Bằng cách này, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm tài nguyên, và giảm thiểu tác động đối với môi trường có thể song hành.

Ảnh: TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng kiêm Giám đốc chương trình Hỗ trợ Cải cách Kinh tế vĩ mô (GIZ) tại Việt Nam

Tại Diễn đàn, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng đã trình bày nhiều vấn đề liên quan đến năng suất lao động như những đặc trưng, thách thức và giải pháp nâng cao năng suất lao động Việt Nam; những yếu tố ảnh hưởng tới năng suất lao động như cơ cấu lao động, kỹ năng, sự phát triển của khoa học công nghệ, di cư giữa các vùng, hội nhập kinh tế quốc tế; và năng suất lao động trong một số ngành cụ thể như nông nghiệp, dệt may...

Được đánh giá như một trong những diễn đàn lớn đầu tiên về năng suất lao động tại Việt Nam, Diễn đàn đã phác thảo được một bức tranh khá toàn diện về tình hình năng suất lao động hiện nay của Việt Nam và cũng tiếp tục khẳng định tính cấp bách cần phải nâng cao năng suất lao động để có thể bắt kịp với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đang cạnh tranh hết sức gay gắt. Đây được đánh giá như một sự kiện mở đầu cho những hoạt động tiếp theo như tiếp tục phải nghiên cứu sâu hơn với những bằng chứng thực tế và nghiên cứu định lượng để tìm ra những nguyên nhân cốt lõi của vấn đề và đưa ra được những giải pháp nâng cao NSLĐ phù hợp cho Việt Nam.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng Diễn đàn này giúp cho CIEM tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về NSLĐ, đặc biệt vấn đề này liên quan đến cải thiện thể chế. Điều này có thể giúp cho người lao động và doanh nghiệp cùng nâng cao chất lượng lao động, thúc đẩy tăng NSLĐ. Từ đó, có những khuyến nghị chính sách phù hợp để góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế bền vững ở Việt Nam./.

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu, CIEM

Tài liệu tham khảo tại Thư viện CIEM.

Tệp đính kèm:

- NSLĐ Việt Nam: Đặc trưng, thách thức và định hướng chính sách

- Năng suất tài nguyên và tăng trưởng kinh tế

- NSLĐ ở Việt Nam - nhìn từ góc độ cơ cấu lao động và kỹ năng

- Thúc đẩy di cư nông thôn - đô thị góp phần nâng cao NSLĐXH

- Phân tích hiệu quả kỹ thuật, năng suất nhân tố tổng hợp và khoảng cách trong công nghệ SX giữa các vùng nông nghiệp Việt Nam

- NSLĐ trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp

- NSLĐ trong ngành dệt may Việt Nam - hiện trạng và giải pháp


Tin tức khác