Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm GCF "Vai trò của khối tư nhân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn"
Hội nghị hội thảo

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm GCF "Vai trò của khối tư nhân trong phát triển nông nghiệp và nông thôn"

28/11/2014 - 2073 lượt xem

Hội thảo có sự tham gia của Ngài John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và hơn 100 đại biểu từ các tổ chức trong nước và quốc tế, ;Đại diện các Bộ/ngành, cơ quan nghiên cứu và các trường đại học, các chuyên gia nghiên cứu; đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản, Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của CIEM và các cơ quan thông tấn, truyền thông, báo chí đến đưa tin.

GCF là chương trình hỗ trợ do cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Đan Mạch DADIDA tài trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, các dịch vụ hỗ trợ cần thiết và đại diện lợi ích cho doanh nghiệp. Tính đến nay GCF đã hỗ trợ tổng cộng 96 dự án (bao gồm 4 dự án về Sáng kiến kinh doanh và thương mại quốc gia, 29 dự án với Hiệp hội Doanh nghiệp và 63 dự án với các nhà cung cấp dịch vụ phát triển doanh nghiệp) với các ngành nghề đa dạng tại 4 tỉnh là Hà Tây (cũ), Nghệ An, Khánh Hòa, và Lâm Đồng.

Hiện, chương trình đã hỗ trợ nâng cao và cải tiến chất lượng dịch vụ theo hướng thương mại hóa cho số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp hộ gia đình cũng như người nông dân nhằm tạo ra ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với sự phát triển của khu vực kinh doanh xuất khẩu cũng như chuỗi giá trị.

Ảnh: Ngài John Nielsen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Ngài John Nielsen cho biết “ Kế hoạch hỗ trợ khu vực kinh doanh tư nhân của Đan Mạch từ năm 2011 tới cuối năm 2014 theo GCF đạt được kết quả hết sức ấn tượng. Chương trình đã hỗ trợ cho hơn 40 dự án tại 8 tỉnh thành và tạo ra gần 30.000 việc làm mới cho người dân. Hơn 60.000 người đã được đào tạo chuyên môn, thu nhập cho nông dân đã tăng đáng kể cùng với nguồn thu đang nghi nhận từ lĩnh vực xuất khẩu.”

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh – Phó Viện trưởng CIEM trình bày tham luận về những đóng góp của doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cho sự phát triển và tạo việc làm cho khu vực nông thôn. DNVVN nói chung đóng góp lớn vào phát triển và tạo việc làm ở nông thôn chẳng hạn như đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động tại nông thôn. Tuy nhiên, vai trò của DNVVN ngành chế biến, chế tạo tại vùng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn khiêm tốn.

Ảnh: TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh - Phó Viện trưởng CIEM trình bày tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh chuỗi giá trị trong các lĩnh vực như lúa gạo xuất khẩu; rau quả xuất khẩu; nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, v.v... Đồng thời, cùng trao đổi, chia sẻ sáng kiến giải quyết những khó khăn thách thức phải đối mặt. Bên cạnh đó, Hội thảo tổ chức triển lãm sản phẩm và sáng kiến của các dự án được chương trình GCF hỗ trợ.

Kết thúc Hội thảo, đại diện Dự án GCF cho biết Dự án vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc mở rộng đối tượng hỗ trợ đến tổ chức, công ty, DNVVN, đặc biệt là bà con nông dân, và kết nối mở rộng thị trường tạo các liên kết theo chuỗi sản phẩm. Ngoài ra, Dự án GCF sẽ định hướng phát triển đến các chương trình chứng nhận bền vững tự nguyện về kinh tế - xã hội - môi trường với mong muốn góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng và xã hội.

Đến nay, nguồn vốn Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam tương đương với 25% tổng nguồn vốn hỗ trợ của toàn bộ Liên minh Châu Âu- EU, theo đó, Đan Mạch là quốc gia hỗ trợ vốn lớn nhất cho Việt Nam trong khối EU. Giai đoạn 2014-2015, Đan Mạch sẽ tiến hành giải ngân khoảng 90 triệu USD vốn ODA cho Việt Nam. Các lĩnh vực chủ yếu được nhận hỗ trợ là Phát triển xanh, môi trường, phát triển khu vực tư nhân, nước sạch, văn hóa và các hoạt động quản lý Nhà nước.

Nguồn: Trung tâm Thông tin – Tư liệu, CIEM

Tài liệu tham khảo tại Thư viện CIEM


Tin tức khác