Hội thảo “Phối hợp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số luật liên quan”
Hội thảo

Hội thảo “Phối hợp thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số luật liên quan”

24/11/2015 - 3773 lượt xem

Hội thảo do TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM chủ tọa. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, luật sư, các nhà tư vấn cũng như đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Ảnh 1: TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết Hội thảo được tổ chức nhằm rà soát tình hình thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (Luật Đấu thầu và Luật Đất đai...) từ tháng 7 đến nay; làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện các luật này; xác định những trở ngại chính cản trở việc thực hiện các luật này và từ đó đề xuất một số giải pháp thi hành các luật, đặc biệt là theo dõi và cơ chế phối hợp.

Ảnh 2: Ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Phan Đức Hiếu – Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM trình bày tham luận về tư tưởng cơ bản của Luật doanh nghiệp 2014. Theo ông Hiếu, việc kinh doanh theo đúng ngành nghề ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được bãi bỏ từ ngày 1/7/2015. Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong các ngành nghề mà Luật không cấm. Đồng thời, dấu do doanh nghiệp sử dụng mà chưa đăng ký thì dấu đó vẫn được coi là hợp pháp và chỉ vi phạm thủ tục hành chính về thông báo mẫu dấu. Bên cạnh đó, ông Hiếu cho biết nếu chỉ tuân thủ đúng luật doanh nghiệp 100% thì mức độ quản trị chỉ đạt ở mức độ trung bình. Do đó cần phải áp dụng thực tiễn quản trị tốt, hiểu rõ giá trị của quản trị tốt và nâng cao vai trò Ban kiểm soát trong giám sát doanh nghiệp,v.v…

Ảnh 3: Ông Bùi Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận

Tiếp theo là phần trình bày của ông Bùi Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác triển khai thi hành Luật doanh nghiệp 2014 từ 1/7/2015. Ông Tuấn cho biết sau khi triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp ngày 1/7/2015, tổng số hồ sơ đăng ký tính đến ngày 20/11/2015 là 134.570 hồ sơ, tăng 151% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ tháng 7 đến nay là 40.880 doanh nghiệp và tổng số vốn đăng ký tăng lên 249.632 tỷ đồng trong vòng 5 tháng. Về việc đăng ký mẫu dấu doanh nghiệp, số lượng đăng ký là 51.890 dấu tính từ tháng 7 đến nay. Theo ông Tuấn, quy định mới về con dấu là một cải cách lớn của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên cần có thêm thời gian và lộ trình để giảm dần sự lệ thuộc vào con dấu. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại khó khăn như chậm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật; áp lực triển khai tại cơ quan đăng ký kinh doanh và một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời; v.v… Qua đó, Ông đề xuất một số nhóm giải pháp đối với các cơ quan nhà nước và đối với cộng đồng doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM đã điểm qua quá trình hình thành, cơ cấu tổ chức của 2 tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cách thức hoạt động của 2 tố công tác về cơ bản là giống nhau. Chức năng và nhiệm vụ là theo dõi, phát hiện những khó khăn và vướng mắc; phân loại, đánh giá, khuyến nghị bãi bỏ những điều không phù hợp và không cần thiết; v.v… Tuy nhiên có một vài điểm khác biệt giữa tổ công tác Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 1999 so với năm 2005 như phạm vi của tổ công tác năm 2005 rộng hơn; các báo cáo đánh giá thực trạng giấy phép con vẫn chưa có nhiều tác động tích cực đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh như các báo cáo của tổ công tác năm 2005; tổ công tác năm 2005 thiên về tuyên truyền và phổ biến luật, văn bản hướng dẫn thi hành hơn; v.v… Bên cạnh đó, Ông Cung đề xuất một số khuyến nghị giải pháp nhằm tạo điều kiện cho tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thành công và hiệu quả.

Ảnh 4: Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Công ty Luật NH Quang và cộng sự trình bày tại Hội thảo

Về những tiến bộ trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp 2014, Luật sư Nguyễn Hưng Quang – Công ty Luật NH Quang và cộng sự cho biết việc bãi bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp là một cải cách đột phá trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tuy nhiên cần phải nghiêm túc đánh giá sự cần thiết của hai loại giấy vàng và trắng cũng như hệ luỵ của việc tồn tại hai loại giấy này trên thực tế. Bên cạnh đó, ông Quang cũng cho biết một số khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải khi thực thi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư như khó khăn trong việc khắc thêm dấu đối với những doanh nghiệp hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư cũ; trong vòng 10 ngày những doanh nghiệp có nhiều cổ đông hoặc các cổ đông cư trú tại nhiều địa bàn khác nhau khó có thể hoàn thành các loại giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh ; khó khăn trong các thủ tục hành chính; v.v…

Ảnh 5: Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày tham luận

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trình bày về kiểm soát việc thực thi có hiệu quả các quy định về điều kiện kinh doanh trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014: Thách thức và giải pháp. Về những thách thức, bà Hồng cho biết việc minh bạch hoá các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong hệ thống pháp luật của nước ta khó có thể thực hiện được nếu Luật Đầu tư không kịp thời cập nhật và bổ sung; khó khăn trong việc kiểm soát xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh phù hợp với các mục tiêu đề ra; sự thiếu minh bạch trong cách xử lý sẽ gây khó khăn không nhỏ đến các đối tượng áp dụng của các quy định; v.v… Qua đó, bà Hồng đề xuất một số khuyến nghị giải pháp như: xây dựng cơ chế kiểm soát xây dựng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh một cách hiệu quả; rà soát tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên thảo luận, Ts. Lê Dăng Doanh đánh giá cao những thông tin về tình hình thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2014 và những khuyến nghị giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh được trình bày trong buổi Hội thảo. Ông cho biết bên cạnh những tiến bộ, vẫn còn một số vướng mắc trong việc điều hành phối hợp giữa các cơ quan. Qua đó, ông đề xuất nên sớm giải quyết những vướng mắc tránh việc gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

Ảnh 6: Toàn cảnh Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng CIEM TS. Nguyễn Đình Cung cảm ơn sự tham dự cũng như đánh giá cao những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu, các chuyên gia tại Hội thảo. TS.Cung cho biết với vai trò là cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, Ông sẽ cố gắng tích cực đưa Luật Doanh nghiệp vào thực tiễn và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam./.

 

Tài liệu tham khảo tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

hoặc liên hệ  ĐT: 84-4-37338930   Email: tttl@mpi.gov.vn

 

Nguồn: Trung tâm Thông tin - Tư liệu (CIEM)

 

 


Tin tức khác



Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Địa chỉ: 68 Phan Đình Phùng - Ba Đình - Hà Nội - Việt Nam
Điện thoại: 84-24-38437461. Fax: 84-24-38456795. Email: vanphongciem@mpi.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương" khi phát hành lại thông tin từ website này
Copyright 2012 by Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Thực hiện bởi